Trần Hùng John:

Vì sao người Việt thích 'ném đá'?

Trần Hùng John giao lưu cùng độc giả tại trong Ngày Sách Việt Nam 2015 tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
Trần Hùng John giao lưu cùng độc giả tại trong Ngày Sách Việt Nam 2015 tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Sau chuyến xuyên Việt 80 ngày không mang theo tiền được thuật lại trong cuốn John đi tìm Hùng, ít ai biết Trần Hùng John còn chạy bộ xuyên Việt một chuyến nữa hơn 40 ngày để quyên góp từ thiện. Và dù chưa vợ nhưng anh đang viết sách về dạy con và tiếp tục đưa vào đời sống những ý tưởng không giống ai để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Chuyến đi thứ hai của bạn có gì khác biệt với chuyến đầu?

Chuyến thứ hai tôi đi năm 2013 để quyên góp tiền cho mấy tổ chức từ thiện. Trong 44 ngày, tôi chạy bộ từ Hà Nội vào TPHCM. Đến mỗi nơi lại có bạn đồng hành tình nguyện đi cùng 1-2 ngày.

Tự tôi lo kinh phí cho chuyến đi. Tôi cũng liên lạc với bạn bè trước để ở nhờ. Chuyến đi quyên được 30 triệu đồng, không được như tôi mong muốn. Chắc tổ chức hơi gấp và ở Việt Nam chưa quen cách quyên góp tiền kiểu đấy. Mọi người đóng góp qua một trang web. Các tổ chức từ thiện kết hợp với tôi sử dụng số tiền đó. Trong đó có tổ chức của một người Mỹ xây dựng thư viện ở nông thôn.

Để chuẩn bị cho chuyến đi bộ đó chắc bạn phải tập luyện ghê lắm?

Vâng, khoảng một tháng. Vì trung bình chắc tôi đi khoảng 50 cây số một ngày. Nhiều người đi cùng tôi. Người lâu nhất 2 ngày là một bạn gái. Nhiều người bảo: “Tôi là dân thể thao nhưng đi thế này đúng là phải tập luyện từ trước”. Có một số thanh niên trẻ khỏe nhưng đi vài chục cây số bảo: “Thôi anh, em về, không đi được nữa”.

Bạn có định viết sách về chuyến đi thứ hai?

Không. Tôi đang viết một quyển về nuôi dạy con (cười). Tôi chưa có con nhưng học về tâm lý học.

Vì sao bạn lại viết về một đề tài mình chưa trải nghiệm?

NXB Phụ nữ liên lạc với tôi để viết cuốn này. Tôi viết qua những gì tôi quan sát cũng như những thí nghiệm, bằng chứng, kết luận khoa học. Ví dụ Việt Nam mình có nhiều người hay “gato”, “ném đá”. Vì sao thế? Vì nhiều bố mẹ Việt hay so sánh con mình với con người khác. Ví dụ muốn con mình ăn nhiều hơn thì bố mẹ bảo, ăn nhiều để cao hơn, khỏe hơn em họ hoặc đứa hàng xóm. Khi đi học thì: Con phải có điểm cao nhất lớp. Như vậy lúc nào cũng tự đặt mình vào một vị trí rất cao, nhưng tất nhiên trong một đất nước 91 triệu dân thì luôn có người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình. Do đó để bảo vệ bản thân, mình phải “ném đá”, phải đạp người khác xuống.

Nhiều người đọc sách của bạn xong liền có cảm hứng du lịch. Bạn có phải người thích du lịch?

Tôi nghĩ ai cũng thích du lịch nhưng bảo tôi có đam mê du lịch thì chắc là không. Lúc đó tôi sống ở Việt Nam một năm, tôi cảm thấy chưa thật sự hiểu về con người, văn hóa Việt Nam thì tôi mới đi. Tôi nghĩ để tìm hiểu một cái gì đó mình phải đi thực tế, trải nghiệm thì mình mới hiểu biết về nó. Còn kiểu đọc sách, lên mạng hoặc nghe người khác kể sẽ không bao giờ bằng. Việc này cũng rất quan trọng vì tôi quyết định định cư ở Việt Nam. Càng đi nhiều tôi càng thấy mỗi miền một khác. Tất nhiên có những điểm chung nhưng người miền Bắc, người miền Nam, người miền Tây… có văn hóa, thức ăn, giọng nói khác nhau hoàn toàn.

Trong John đi tìm Hùng, bạn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới  nông dân nghèo và bày tỏ mong muốn làm gì đó giúp họ cải thiện cuộc sống. Bạn còn giữ lý tưởng đấy?

Tôi luôn nghĩ như vậy. Tôi thấy người dân quê rất tình cảm. Có nhiều gia đình tôi ở cùng dù họ rất nghèo, chỉ có cơm và rau họ vẫn sẵn sàng mời tôi vào ăn cùng. Cái đó tôi không thể nào quên được. Hy vọng sau này có điều kiện tôi cố gắng giúp cho họ. Tôi thích câu chuyện không đưa cá mà hướng dẫn họ câu cá. Tôi cũng làm trong lĩnh vực đầu tư và thương mại với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài làm dự án ở Việt Nam. Tôi cũng hy vọng sau này có dự án gì ở Việt Nam tạo công việc tốt cho người dân.

Gần đây bạn được biết đến với dự án Trả ơn chuyển tiếp. Cụ thể bạn đã làm gì?

Những việc tình nguyện, từ thiện tôi làm cũng nhiều nhưng không quảng bá. Chỉ Trả ơn chuyển tiếp nhiều người có thể áp dụng được thì tôi mới chia sẻ. Đấy là ý tưởng tôi lấy từ một bộ phim. Một ngày ở Hà Nội, tôi chỉ ra ngoài đường tìm một cô. Cô ấy từ Thanh Hóa ra. Ban đầu tôi giải thích: “Tôi là người Mỹ gốc Việt muốn làm một điều gì đó cho chị, thì chị cần gì?”. Chị không dám đi với tôi vì không biết tôi là người như thế nào, nói: “Chị có hai đứa con, em mà bắt cóc chị thì ai sẽ nuôi chúng?!”.  Sau một thời gian thuyết phục, tôi đưa chị ấy đi cắt tóc, mua sắm, tặng chị ấy tiền thuê nhà. Sau đó tôi nói với chị ấy: “Chị không cần trả ơn em, em chỉ mong khi nào có điều kiện chị sẽ giúp 2-3 người khác.” Nhưng việc tốt, tình nguyện nhiều khi không cần mất tiền, không cần phải là việc to tát.

Bạn thực hiện Trả ơn chuyển tiếp rất hợp vì bạn từng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người không quen biết?

Chính xác. Ý tưởng đó không mới nhưng nếu áp dụng ở Việt Nam sẽ giúp được mọi người. Bây giờ cứ xem trên tivi hoặc đọc trên báo kiểu cướp giết, bạo lực rất nhiều. Càng ngày người ta càng không tin vào nhau. Tôi cũng hy vọng tạo dựng lại niềm tin giữa con người với con người qua việc làm này.  

Trong John đi tìm Hùng, bạn kể đã gặp nhiều cô gái Việt Nam rất thích các chàng trai từ nước ngoài về như bạn. Từ bấy đến nay đã cô nào chinh phục được bạn?

Chưa. Nhưng sau này chắc tôi sẽ lấy vợ Việt Nam. Vì tôi từng yêu một cô gái Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.