“Vốn sống không phải điểm yếu của nhà văn trẻ”

“Vốn sống không phải điểm yếu của nhà văn trẻ”
Đó là khẳng định của tất cả các cây bút nữ tên tuổi khi được hỏi: "Văn đàn Việt Nam gần đây thiếu vắng những cây bút trẻ xuất sắc. Thiếu vốn sống có phải là lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng này?
“Vốn sống không phải điểm yếu của nhà văn trẻ” ảnh 1
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Võ Thị Xuân Hà: Là điểm rất mạnh. Lấy vốn sống không như kiểu thời bao cấp cho lên ô tô chở đi đến một công xưởng, hay nông trường, làng quê nào đấy. Xong ở đấy dăm ba ngày, một tháng hay nửa năm để lấy vốn. Như thế cũng là một cách rất tốt, nhưng mà với thời đại hiện nay, nhịp sống gấp gáp, làm gì có thời gian! Thứ hai, không còn bao cấp nữa, phải tự mình vận động chứ. Nếu đi theo cái kiểu như thế có khi bọn mình lại không lấy được tư liệu.

Không phải cứ lấy chính cuộc đời mình ra viết, nhưng phải trải nghiệm, có cách quan sát. Ví dụ, chỉ cần nghe mọi người nói Hôm nay trời lạnh thì có thể nghĩ ra được cả một đống chuyện xung quanh… Tưởng tượng phong phú vun đắp bằng trình độ văn hóa, trình độ nghiên cứu học thuật và sự đằm sâu, quan sát tinh tế trong cuộc sống, thì vốn sống nó tự vào lúc nào không biết và khi viết thì nó tuôn ra. Chứ còn nói cứ lấy vốn sống như có một cái gì đấy hình thù rõ rệt thì bây giờ không làm được như ngày xưa.

“Vốn sống không phải điểm yếu của nhà văn trẻ” ảnh 2
Nhà văn Đoàn Lê

Đoàn Lê: Tôi nghĩ vốn sống nó là cái gì tích lũy hàng ngày. Chả có cái gì quan trọng đến mức phải đi một chuyến rồi ba lô mang về một ít vốn sống! Bây giờ người ta phải hoạt động, giao lưu xã hội trên một cái diện rất rộng, cho nên tự hàng ngày, ở mảng này mảng khác dễ thu nhận được. Không như ngày xưa phải xuống tận Thái Nguyên mới biết gang thép. Bây giờ không còn chuyện ấy nữa. Gang thép hàng ngày trên mặt báo.

Võ Thị Xuân Hà: Ngày xưa cứ bảo Vũ Trọng Phụng viết cô đầu nhưng mà không đi cô đầu đâu, ý nói là ông ấy trong sạch... Nhưng bây giờ bọn mình, làm sao biết thế nào là gái làm tiền, ca-ve... nhưng tại sao vẫn viết được những trang rất thực!

Rất thực hay toàn là tưởng tượng?

Võ Thị Xuân Hà: Cái tinh tế và sự hiểu biết sâu rộng của nhà văn là như thế. Hơn nữa khi viết, có những trường đoạn, cốt truyện không hiểu sao nó lại ra được như thế. Ví dụ trước Tết, báo Thiếu niên dân tộc đặt viết một bài về thiếu nhi miền núi. Mình ở thành phố, nông thôn mình cũng chỉ đi sơ tán, miền núi có bao giờ mình ở… Cái đọc, tự học của nhà văn quan trọng. Đọc, bao nhiêu tác phẩm về miền núi nó nhập vào mình.

Một dạo nhà văn nữ chiếm lĩnh văn đàn bằng truyện ngắn, hình như họ sắp sửa chiếm lĩnh bằng tiểu thuyết?

Năm vừa rồi lắm người ra tiểu thuyết thật. Nhưng cũng không phải là phong trào gì đâu, tự nhiên có thời điểm.

Các nhà văn nữ đã tích lũy đủ sau một thời gian?

Võ Thị Xuân Hà:  Riêng mình, chặng đường đi là truyện ngắn rồi mới chuyển sang tiểu thuyết, nhưng như thế không có nghĩa truyện ngắn viết dễ hơn tiểu thuyết. Mà có lẽ với đất nước mình, sau bao nhiêu biến cố lịch sử thì thể loại truyện ngắn dễ có con đường đi, xọc vào mọi ngóc ngách của xã hội.

Có thể truyện ngắn phản ánh được nhanh, dễ tiếp cận từng khía cạnh. Thứ hai, bản thân mình, thời điểm ấy chỉ đủ sức viết truyện ngắn. Còn tiểu thuyết đòi hỏi thời gian dài, đằng sau là cả một cái gì đấy tương đối đầy đủ về mặt vật chất.

Chị nghĩ sao nếu vẫn được coi là nhà văn trẻ?

Võ Thị Xuân Hà: Trẻ về mặt tinh thần. Ví dụ, chị Trần Thùy Mai vào Hội từ những năm 1985-86, chị ấy chìm đi một thời gian sau đấy viết lại rất mới, rất trẻ, người ta tưởng là một người nào đấy… thì chị ấy vẫn được xếp hàng trẻ như thường.

Gần đây chị ấn tượng với tác giả trẻ hoặc tác phẩm mới nào?

Đoàn Lê: Nhiều lắm, ví dụ Thu Huệ viết cũng được, hoặc là Vàng Anh nhỉ?

Võ Thị Xuân Hà: Vàng Anh gần đây không viết gì!

Đoàn Lê: Nhưng cái tập Thỏ bông (tạp văn) rất hay… Võ Thị Hảo viết lâu rồi nhưng gần đây cũng được coi là cây viết “trẻ”, đổi mới. Nguyễn Ngọc Tư nữa… Nhiều gương mặt như thế, tôi thấy rất đáng mừng!

Xin hỏi nhà thơ Vũ Thị Huyền, sau 2 giải nhất thơ của báo Tiền Phong, chị thấy sự nghiệp văn học của mình tiến triển nhiều không?

“Vốn sống không phải điểm yếu của nhà văn trẻ” ảnh 3
Nhà thơ Vũ Thị Huyền

Vũ Thị Huyền: Có, vì sau đó tôi được, xem nào: 5 giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, 2 giải Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, 1 giải Sông Hương. Nhưng đến đây so sánh với các bậc đàn anh thì sự nghiệp của mình quá mỏng. Và tuy có giải này giải nọ nhưng vẫn nhớ kỉ niệm TP nhất. Nghe nói báo sắp mở nhà sách ở Hải Phòng, xin một chân bán hàng nào!

Bán sách thì phải dẹp quán cà phê độc đáo nhất thành phố cảng sao! (có bà chủ làm thơ). Lần đầu dự một cuộc lớn thế này chị thấy có được  như chị chờ đợi không?

Vũ Thị Huyền: 50%. Có những lúc thấy được sự dân chủ đỉnh cao, thấy không khí rất văn chương, chẳng hạn: “vỗ tay đuổi xuống” (cười). Có anh lại còn tự trào “lúc nãy Đại hội đuổi thì tôi xuống, bây giờ cho nói thì tôi lại lên”. Chuyện bầu cử cũng rất văn nghệ.

Nhiều người than phiền về sự già cả, nhìn xuống hội trường quá nhiều đầu bạc, người trẻ nhất là Nguyễn Ngọc Tư cũng 29, quá thì xuân xanh rồi. Tôi nghĩ nói như thế làm các bác chạnh lòng mà lại không phải. Nghề văn là nghề không có tuổi, chưa kể “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” vận vào nghề văn càng đúng. Bùi Ngọc Tấn viết “Rừng xưa xanh lá” ở tuổi 70 đoạt giải thưởng của Hội đấy thôi.

Bầu cử không cần chú trọng vùng miền mà cần người làm việc là đúng, nhưng 6 người là ít quá, cũng phần nào thiệt cho hội viên. Nhất là qua Đại hội này, thấy thiếu những chuyên gia tổ chức... 

MỚI - NÓNG