Vụ sáp nhập hai nhà hát: Nghệ sĩ hoang mang

Vụ sáp nhập hai nhà hát: Nghệ sĩ hoang mang
TP - Không riêng NSND Lan Hương của Nhà hát Tuổi trẻ bức xúc trước quyết định sáp nhập hai nhà hát nổi tiếng của miền Bắc thành Nhà hát Kịch quốc gia (Tiền Phong ngày 25-4), nhiều nghệ sĩ Nhà hát Kịch VN cũng tâm trạng, khi chặng đường lịch sử 60 năm của nhà hát trở về con số 0.

>Vụ sáp nhập hai nhà hát và hai lá đơn của NSND Lan Hương

NSƯT Trung Anh: Chẳng biết phải thế nào

Việc sáp nhập này nằm ngoài tầm kiểm soát của nghệ sĩ, vì đây là quyết định của Bộ. Anh em nghệ sĩ đều xao xuyến vì bao năm gắn bó, bây giờ sáp nhập cũng nhiều chuyện. Trong cuộc họp hôm 24-4, chị Lan Hương nói trong chuyện sáp nhập này Nhà hát Tuổi trẻ có thiệt thòi. Tôi cũng đứng lên nói, Nhà hát Kịch chúng tôi cũng thế, buồn lắm.

Mấy năm trở lại đây đúng là Nhà hát kịch VN có kém đi, nhưng tôi không hiểu mục đích sáp nhập này để thu gọn hay để làm gì? Anh em nghĩ thương hiệu nhà hát bị mất nên cũng nhiều tâm trạng. Bộ quyết định sáp nhập và không lấy ý kiến gì của nghệ sĩ bên dưới cả.

Thời NSƯT Anh Dũng còn làm giám đốc, tôi cũng đấu tranh rất ghê với ban giám đốc về phương pháp làm việc. Tôi xin thôi không làm đoàn trưởng của cả 2 đoàn diễn xuất nữa. Vì không thể làm việc trong môi trường như thế, cho tôi xuống làm diễn viên cho yên chuyện.

Trong giai đoạn Nhà hát đang xuống dốc, nghe tin anh Hùng về làm giám đốc- ban đầu tôi không biết kiêm cả giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ- cá nhân tôi rất mừng, hi vọng có chút thay đổi. Dù không biết thay đổi như thế nào, nhưng cứ hi vọng. Anh Hùng về cũng vực được một số thứ. Nhưng chính trong giai đoạn này có nhiều tin về chuyện sẽ sáp nhập 2 nhà hát. Cái tin đó làm cho hai nhà hát, ban giám đốc hai bên cũng biến động, không tập trung được vào việc gì cả.

NSND Thế Anh: Hình như ông giám đốc ôm đồm quá!

Dạo này Nhà hát kịch đi xuống, yếu hơn so với Nhà hát Kịch HN và Nhà hát Tuổi trẻ. Ngày xưa gọi anh cả đỏ, giờ có lẽ thành “em” thôi, vì mang danh nhà hát đi đầu mà chẳng làm được gì, chẳng có tiết mục nào cực kỳ hay để người ta nhớ đến.

Trước tôi hy vọng ông Lê Hùng giữ chức giám đốc, làm nổi danh Nhà hát kịch lên. Nhưng từ ngày về chẳng thấy gì cả, cứ bằng bằng. Hình như ông ấy ôm đồm nhiều việc quá. Bản thân Nhà hát Tuổi trẻ cơ sở mạnh rồi, lại có những tướng như Chí Trung, Anh Tú… tự vực lên được, làm hài kịch vào cả Sài Gòn diễn. Còn bên Nhà hát Kịch VN không có solist nổi danh toàn quốc, hiếm ngôi sao.

Chả thay đổi gì, vẫn thế. Nhất là từ ông Lê Hùng làm giám đốc chưa đưa đoàn vào Sài Gòn diễn bao giờ. Lê Hùng đạo diễn có tài thật, nhưng ôm nhiều quá nên bị phân tán quá. Chơi hai nhà hát lớn, lại còn đi làm ngoài tơi tới, ba đầu sáu tay làm gì còn thời gian sáng tạo. Đạo diễn nước ngoài mấy năm giời mới ra được tiết mục, đằng này cứ đẻ sòn sòn, ôm đồm như thế thì làm sao mà hay được.

NSND Đoàn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát kịch VN: Sáp nhập để làm gì?

Nhà hát Kịch VN hình thành 60 năm nay, trải bao thế hệ, bao công trình, hình tượng nhân vật để lại dấu ấn cho nền sân khấu kịch nói Việt Nam. Nó trải qua nhiều thời kỳ sóng gió nhưng vẫn đứng vững, là con chim đầu đàn. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng có truyền thống 34 năm, cũng huy hoàng lắm chứ. Mỗi nhà hát có đặc thù riêng, vị trí riêng trong lòng khán giả. Mục đích tối cao của sáp nhập hai nhà hát để làm gì? Để thu gom lại, để mạnh quân hơn? Để nâng cao nghệ thuật hơn chăng? Hay là cái gì? Tôi rất băn khoăn.

Hai nhà hát có vị trí lịch sử khác nhau, phong cách, cá tính mỗi nhà hát một khác bây giờ nhập làm một. Rồi phương hướng nhiệm vụ khác nhau, sẽ cơ cấu Lê Hùng vẫn là giám đốc, các vị trí khác thế nào, diễn viên nữa có loại bớt không… Tôi thấy chuyện này làm sao ấy. Chẳng hợp lý chút nào.

Tôi thấy buồn vì các vị lãnh đạo Bộ VHTT&DL chưa tham khảo ý kiến nghệ sĩ trẻ hai nhà hát. Một việc lớn, động chạm đến sinh mệnh nghệ sĩ, họ làm việc làm nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhà hát mà không hỏi nghệ sĩ trước khi quyết định. Đáng ra phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em. Nguyện vọng của một ông giám đốc không đại diện cho bao nhiêu nghệ sĩ, quần chúng được.

Trong lòng tôi thấy đau lắm: Nhà hát 60 năm danh hiệu mất đi, xóa đi để nhập làm một. Tôi không hiểu nổi ý tưởng, mục đích tối cao của câu chuyện sáp nhập này. Vườn hoa phải có nhiều bông hoa, không thể một bông. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, có người này người khác chứ bây giờ nhập làm một để làm gì? - NSND Đoàn Dũng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.