Vừa thổi sáo vừa 'dò mìn'

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Là nghệ sĩ sáo flute - một loại nhạc cụ cổ điển nhưng cô gái ấy không cố tỏ ra hàn lâm. Âm nhạc của Huyền Trang cũng giống như con người cô: trẻ trung, nhí nhảnh và cực kỳ thích thú với những điều mới mẻ.

Giấc mơ thiên thần và cây sáo bạch kim

Gặp Trang ở một quán cafe nhỏ ven Hồ Tây, sau khi cô kết thúc công việc buổi sáng. Khác với một Huyền Trang sexy, cá tính trên sân khấu với cây sáo flute, Trang ngoài đời trông trẻ hơn, giản dị, nhẹ nhàng. Hỏi vì sao chọn flute, Trang cười “Không phải mình chọn sáo mà sáo chọn mình”.

Hồi bé, cô nàng hay mang cái đàn organ nhựa ra dán giấy làm phím rồi chơi cả ngày không chán. Chiều con, bố mẹ mua cho cây đàn organ thật để Trang tha hồ nghịch. Năm 11 tuổi, phụ huynh “đánh liều” đưa Trang từ Hải Dương lên Hà Nội thử sức thi vào Nhạc viện.

Vào phòng thi, thầy cô hỏi “Con thích học gì?”, Trang thật thà “Con thích piano hoặc violon”, “Vì sao?”, “Vì khi biểu diễn thì trông rất đẹp!”. Sau khi ngắm nhìn ngoại hình, xem tay, xem chân, xem cả… răng, một thầy bảo “Con học sáo flute đi. Khi thổi sáo, con cũng sẽ đẹp như một thiên thần, và có thể được đi nước ngoài nữa”. Lúc đó, nào đã biết cây sáo flute hình thù ra sao, chỉ nghe lời “dụ dỗ” ngon ngọt nên vui vẻ gật đầu.

Trang trở thành 2 học sinh duy nhất năm đó trúng tuyển vào lớp sáo Flute của chuyên ngành nhạc cụ phương Tây. Đến khi làm quen với cây sáo rồi, cô gái trẻ mới biết để được giống thiên thần trên sân khấu như thầy cô nói sẽ phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi và nước mắt trên giảng đường. 

Từ những bài học đơn giản như cách đặt môi sao cho đúng, đến kỹ thuật phức tạp như dùng hơi chính xác để phát ra được âm và ngân dài nốt. Sáo flute là loại nhạc cụ cần trường hơi, phải có sức khỏe tốt mới giữ được hơi ổn định và dài. Cách giữ hơi, cách rung, đánh lưỡi là những kỹ thuật khó nhất. Trang nhớ, “Mỗi lần tập xong, hoa hết cả mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng. Tay giữ sáo cứ phải giơ cao để giữ dáng nên học xong đều bị cứng đờ, tê dại”.

Rồi Trang bảo “Ai học sáo cũng bị to bụng dưới vì phải dồn hơi, chưa kể lưng thì gù đi vì lúc nào cũng phải cúi người”.

Không chỉ trải qua những buổi khổ luyện, cô bé 11 tuổi ngày ấy còn phải đối mặt với cuộc sống xa nhà, một mình tự lập ở Hà Nội. “Đó là những ngày khóc lóc, vật vã vì nhớ nhà. Nhiều lần tôi gọi điện đòi bố mẹ đón về... Nhưng mẹ lại động viên, an ủi. Lại tiếp tục cố gắng. Thế mà cũng qua 12 năm”- cô gái trẻ bật cười.

Sau 12 năm “dùi mài” tại Học viện Âm nhạc quốc gia, Huyền Trang có thêm 6 năm trải nghiệm tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam và tham gia biểu diễn trong các dàn nhạc giao hưởng trẻ Rhapsody Philharmonic, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á - SAYOWE tại Thái Lan, Dàn hợp xướng thính phòng Đông Nam Á Trẻ - SEAYCO tại Myanmar...

Vừa thổi sáo vừa 'dò mìn' ảnh 1

Huyền Trang thăng hoa với tiếng sáo trên sân khấu âm nhạc.

Tình yêu với flute cứ lớn dần trong cô. Đến bây giờ, Trang mới thầm cảm ơn lời “dụ dỗ” của thầy cô ngày nào. Dẫu đã có lúc mệt mỏi đối diện với tương lai nghề nghiệp, khi chứng kiến nhiều người học sáo không có “đầu ra”, phải chuyển nghề. Dẫu đã có lúc, định bỏ sáo, nhập hàng online về bán hay mở một quán ăn... Nhưng rồi, cây sáo như một mối duyên đeo đẳng kéo Trang lại. Những hợp đồng, những lời mời biểu diễn khiến cô không thể làm ngơ. Lại lao vào luyện tập như điên, như dại.

Rồi cũng có dạo định nộp đơn thi lại một trường đại học khác, hòng kiếm công việc làm công ăn lương “cho nó ổn định”. Nhưng loanh quanh thế nào lại thi đỗ lên hệ đại học của Nhạc viện với số điểm cao và đạt học bổng. Thế là lại lao vào khổ luyện, học hành.

Nay thì Trang đã “ngoan ngoãn” hiểu rằng mình và cây sáo thực sự có duyên mệnh. Ngoài thời gian đi biểu diễn, công việc dạy nhạc tại một trường quốc tế cũng giúp Huyền Trang có thêm nguồn thu nhập ổn định và nhởn nha tìm kiếm những trải nghiệm mới.

“Trẻ hóa” nhạc cụ “già”

Sáo flute là một nhạc cụ cổ điển phương Tây, thường được chơi theo phong cách nhạc hàn lâm. “Khi tôi bắt đầu ấp ủ làm những sản phẩm âm nhạc đầu tiên, nhiều người hỏi tôi cây sáo này có thể chơi được với cái gì, hay chỉ chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Câu hỏi đó khiến tôi bị kích động”. Và thế là vào tay Huyền Trang, “nàng tiểu thư” flute quen sống trong lầu son, gác tía bỗng trở thành một “cô gái” phóng khoáng, đầy năng động, cá tính.

Ở bài này, Trang để flute chơi với guita. Sang bài kia, flute song tấu với piano hoặc violon. Tác phẩm khác, Trang lại tìm cách phối âm thanh mong manh của flute với các bài rock, nhạc điện tử sôi nổi. Rồi có khi vừa thổi sáo vừa tự thổi beatbox… “Cách đây 2 năm, tôi bắt đầu tạo một tài khoản trên youtube, đưa lên những bản nhạc mình yêu thích được chơi bằng sáo flute. Thật bất ngờ là mọi người đã ủng hộ và động viên tôi chơi flute nhiều hơn” - Trang thích thú kể.

Vừa thổi sáo vừa 'dò mìn' ảnh 2

Một cách tự nhiên, cô mang tiếng sáo của mình đến gần với số đông bằng những bài cover ca khúc đình đám của Vũ Cát Tường, Sơn Tùng MTP... Nhiều người bảo Trang dại khi mang nhạc cụ hàn lâm đi chơi những ca khúc thị trường. Trang lại nghĩ khác. “Đã là nghệ sĩ thì phải có khán giả. Anh bảo anh hay ho lắm nhưng nếu không có khán giả, sản phẩm của anh sẽ trở nên vô giá trị. Cây sáo là một nhạc cụ vẫn còn lạ lẫm với người Việt. Nếu tôi mang nó ra chơi những tác phẩm cổ điển thì nghe xong người ta cũng sẽ quên. Vậy tại sao không để flute cover lại những ca khúc giới trẻ đang yêu thích, để họ thấy dần quen với cây sáo phương Tây”.

Trên youtube, ca khúc “See You Again” do Huyền Trang cover đạt gần 95 nghìn lượt xem, “Âm thầm bên em” đạt 500 nghìn lượt xem, “Yêu xa” đạt gần 120 nghìn lượt xem, “Radioactive”đạt hơn 200 nghìn lượt xem... Đó là những con số đáng mơ ước đối với một nhạc cụ được xem là kén người nghe như sáo flute.

Đặc biệt, album sáo đầu tay “Christmas” của Huyền Trang đã được hãng thu âm Pro2 scope của Đức đặt mua 1000 bản. Đây là con số tiêu thụ “trong mơ” của nhiều nghệ sĩ thực hiện album hiện nay. Huyền Trang cũng là nhạc công cổ điển hiếm hoi được mời biểu diễn ở các sự kiện âm nhạc lớn, sôi động như Gió mùa, The Remix, Heniken Countdown...

Nghệ sĩ muốn tìm kiếm con đường riêng thì phải vừa đi vừa dò, chỗ nào có “mìn” thì tránh. Tôi còn trẻ và tôi có quyền được thử. Sẽ có người thích người không, bởi âm nhạc cũng như ẩm thực, khi đưa một món ăn mới có thể không quen, nhưng nếu ngon, tôi tin dần dần người ta sẽ thích.

Nghệ sĩ sáo flute Huyền Trang

Không chỉ thử nghiệm tiếng sáo, Huyền Trang còn “trẻ hóa” phong cách trình diễn lẫn trang phục. “Có người nói, nghệ sĩ sáo thì không nên đi lại, mà chỉ nên đứng một nơi mới đẹp, mới sang. Nhưng tôi thì để cây sáo tự dẫn dắt mình”. Thế nên, mỗi lần chơi là một lần “lên đồng”. Lúc đó, người ta thấy nữ nghệ sĩ mắt nhắm nghiền, tóc rũ xuống che gần nửa khuôn mặt, trong trang phục đầy quyến rũ, di chuyển bay bổng theo giai điệu. Có khi thấy Trang lả lướt như đám mây, có khi lại thấy “giật đùng đùng” đầy tự do, bốc lửa. Thậm chí còn tự tin tới mức vừa thổi sáo vừa... nhảy bật lên cao rồi trổ tài đánh trống khi buông cây sáo xuống.

Huyền Trang đã chứng minh rằng nghệ thuật không có giới hạn, quan trọng là sự tinh tế, quyết liệt, dám phá cách của người nghệ sĩ. “Nghệ sĩ muốn tìm kiếm con đường riêng thì phải vừa đi vừa dò, chỗ nào có “mìn” thì tránh. Tôi còn trẻ và tôi có quyền được thử. Sẽ có người thích người không, bởi âm nhạc cũng như ẩm thực, khi đưa một món ăn mới có thể không quen, nhưng nếu ngon, tôi tin dần dần người ta sẽ thích”- nữ nghệ sĩ trẻ tự tin.

Làm nên thành công những bản phối sáo flute và nhạc điện tử của Huyền Trang, không thể không nhắc đến vai trò của SlimV, DJ được mệnh danh là “phù thủy âm thanh” và cũng là bạn trai của Huyền Trang. Sự đồng điệu trong âm nhạc đã “dắt mối” cho sự đồng điệu trong tâm hồn. Sắp tới, Trang và SlimV cũng sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng, đậm tính giải trí, kết hợp giữa sáo và điện tử với phong cách hoàn toàn mới.

Bên cạnh đó, Huyền Trang cũng vừa nhận lời mời tham gia dự án thành lập dàn nhạc Đông Nam Á chuyên các nhạc cụ dân tộc của các quốc gia trong khu vực. Trang cũng đang học thêm về sáo mèo, pí, khèn lá, khèn bè… để mang nhạc cụ dân tộc Việt ra thế giới. 

Trình diễn đủ thứ

Tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent năm 2013, Huyền Trang xinh đẹp trong chiếc váy đen gợi cảm, tung tẩy cây sáo flute chơi bản “Hồ thiên nga”, nhưng theo cách vô cùng đặc biệt: vừa thổi sáo, vừa chơi beatbox, vừa kết hợp ăn ý với nhạc điện tử của DJ và dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Đức Trí chỉ huy. Khán giả ồ lên, reo hò thích thú còn nhạc sĩ Huy Tuấn - người thường xuyên thổi sáo khi trình diễn với ban nhạc Anh Em cũng phải ấn tượng với phần chọn âm nhạc và cách biến tấu giai điệu trong phần thi của cô gái trẻ này.

Hai năm sau, Trang tiếp tục được mời sang Singapore tham dự cuộc thi Asia’s Got Talent. Tiếng sáo mèo trong giai điệu dân ca “Inh lả ơi” và phần trình diễn kết hợp giữa sáo mèo, sáo flute trong ca khúc “Radioactive” đã chinh phục tất cả giám khảo. Vị giám khảo giàu kinh nghiệm người Canada David Foster còn thốt lên: “Tôi đã làm việc với hàng nghìn nghệ sĩ thổi sáo trên toàn thế giới nhưng chưa bao giờ thấy một ai sử dụng sáo điêu luyện như cô. Âm thanh ấy thật tuyệt vời!”. Những tiết mục ấn tượng của Trang đã mang về cho cô kết quả Top 3 toàn khu vực.

MỚI - NÓNG