Xem cải lương, nhớ cải lương

Xem cải lương, nhớ cải lương
Tại rạp Hưng Đạo- “đại bản doanh” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM), Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005 đã đi được 2/3 chặng đường (10-22/4).
Xem cải lương, nhớ cải lương ảnh 1
Vở "Cung đàn nào cho em"

Ngoại trừ đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã ngồi trong Hội đồng giám khảo, không thấy bóng dáng đạo diễn tên tuổi ngồi đầy hành lang như các kỳ cuộc khác, thi thoảng mới gặp người có tiếng như Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Nhưng dù không đứng tên (quy chế mới ban hành mỗi đạo diễn không được dàn dựng quá 2 vở trong một hội diễn) thì xem các vở ta vẫn gặp  những mảng miếng ấy, kiểu dựng tưng bừng ấy hay lối phô bày động tác tập thể cùng sân khấu đầy bục bệ cồng kềnh… Một vị trong BTC nhỏ nhẹ: “Về mặt nguyên tắc, họ vẫn dàn dựng quá 3 vở nhưng không đứng tên thì làm sao nói họ vi phạm được?!”.

Những thống kê vui

21 đơn vị (trong đó có 2 nhóm xã hội hoá) tham gia đồng nghĩa hội diễn có 21 vở cải lương. Tụ lại trên cùng một sân khấu, rất dễ nhặt ra những hành động, các mô-típ nhân vật hoặc cách xử lý hình tượng... na ná nhau.

Cũng một thành viên tổ chức từng vào ra khắp các tỉnh thành để xem duyệt vở dự hội diễn, tạm thông kê: Khoảng 7 đoàn có cảnh em bé hoặc khóc oe oe hoặc được quấn tã bưng bê ra sân khấu. Riêng đoàn văn công Đồng Tháp với vở Xuân, Đông, Thư, Hận thì chơi sang hơn, em bé thật lên sàn diễn và bé Tiểu Mẫn 2 tuổi (con gái trưởng đoàn) đã trở thành diễn viên nhỏ nhất hội diễn. Ông bố Minh Mẫn cười: “Nhà cạnh sàn tập, suốt ngày con bé lê la xem các cô các chú rồi nhiễm”.

Chỉ có 3 vở đề tài lịch sử Kỹ nữ thành Đông Quan (NH Cải lương Hà Nội), Nữ tướng Lê Chân (Đoàn Cải lương Hải Phòng), Đức Thánh Trần- Linh hồn Đại Việt (Đoàn Cải lương Nam Định) nhưng cùng với khối lượng áp đảo vở đề tài hiện đại, nhìn chung cách diễn tả còn cứng nhắc. 

Ví dụ cứ bọn giặc xâm lược là hám sắc, dại gái; các cô gái xinh đẹp xuất hiện (nhưng rất hiếm diễn viên trẻ, đẹp) cùng với hội chứng mỹ nhân kế được vạch ra; nhân vật nghĩa khí trung kiên hay bị chằng dây vải khắp người giống như bị phanh thây, xác được khiêng vác sừng sững trên sân khấu; cảnh hội làng đang tưng bừng thì quân giặc ào đến; các màn rước đuốc đùng đùng, diễn viên dàn hàng hoặc xếp tầng tầng lớp lớp khoa trương trong tiếng nhạc dồn dập, khác gì múa ấn tượng. 

Sân khấu cải lương thiên về tả thực nay càng được trang trí hoành tráng bằng những bục bệ ngất ngưởng, có đoàn đầu tư hệ thống bục bệ nặng gần 6 tấn, cao 3 mét, vận chuyển bằng tàu hỏa vào được TP HCM cũng mất ngót chục triệu, diễn viên thì cứ phải “cấp báo, cấp báo” chạy như tên bắn khiến khán giả thót tim: Nhỡ mà trượt chân thì khổ!

Thương nhau thì… đổi mới cho vừa lòng nhau

Về địa phương, ngồi mưa gió ngoài sân bãi lượng khán giả chính không chỉ là các ông già bà cả mà cả thanh niên và để giữ được “đám” này thì vở không thể rề rà, trước diễn hai tiếng rưỡi – ba tiếng/vở, nay chỉ tiếng rưỡi - hai tiếng. Tiết tấu cũng  nhanh hơn, mở màn không giao đãi ca lý nhiều nữa, vào chuyện luôn, thậm chí hàng chục phút chỉ toàn thoại mà không ca, cũng ít dần kiểu nhân vật bị đâm sắp chết rồi còn kịp ca 6 câu vọng cổ!

Đang mốt nhiều bài hát hiện đại được đưa vào cải lương, đủ cả nhạc Hoa, nhạc vàng, nhạc vũ trường. Vở Cung đàn nào cho em (nhóm Thắp sáng niềm tin) còn có cả vũ đoàn Bình Minh tham gia các màn múa bụng, lắc hông trong tiếng nhạc nhảy bốc lửa!

Những cái tạm gọi là đổi mới kể trên trong tổng thể một vở diễn vẫn chỉ là những thêm nếm, cách tân nửa chừng, nó làm cải lương trở nên màu mè hơn nhưng chưa sinh sắc hơn. Tìm bước hiện đại hoá, thậm chí đưa cải lương phù hợp hơn với khán giả  đương đại vẫn đang bí ở khâu kịch bản và những  bước thể nghiệm bài bản.

Dẫu sao nửa chừng hội diễn cải lương lần này không cho ta cảm giác thất vọng như ở hội diễn kịch nói, bởi kịch bản có kém thì còn đó những giọng ca hay, nghe nghệ sỹ vào câu vọng cổ và xuống một câu vọng cổ ngọt ngào, không bị chênh là ào lên vỗ tay, chỉ nghe hát thôi cũng thích rồi.

Các gương mặt tài năng trẻ TP HCM như Thanh Ngân, Hữu Quốc, Kim Tiểu Long, Thoại Mỹ, Mỹ Hằng…đã tụ về hội diễn. Thanh- sắc đẹp của những Thanh Ngân, Kim Tiểu Long hy vọng rồi đây sẽ được người ta nhớ ngay mỗi khi nhắc đến cải lương.

Giống như bây giờ các thế hệ mới đã xuất hiện rồi mà sao vẫn thấy nhớ một Lệ Thuỷ tươi tắn, ngộ nghĩnh với chất giọng khàn đặc biệt, còn khi Minh Vương vừa cất lên lời ca sang trọng, hát như múa lưỡi và xuất hiện trong cốt cách của một công tử, bà con nhìn đã mê liền.

Đều đặn sáng, tối, nhìn các má các chị kéo đến rạp Hưng Đạo để khóc, cười cùng nhân vật một cách vô tư, giản dị và dễ gần mới thấy cải lương còn nhiều hy vọng lắm. Còn nghệ sỹ, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, đã là kiếp tằm thì phải nhả tơ.                  

MỚI - NÓNG