Xem King Kong ở Bỉ, nghĩ về du lịch Việt

Xem King Kong ở Bỉ, nghĩ về du lịch Việt
TP - Tin vui: phim Kong: Đảo đầu lâu cũng đang gầm gào trong các rạp chiếu ở Bỉ. Lần đầu tiên chứng kiến các bà vợ Việt ríu rít rủ chồng Tây đi xem, 12,75 euro/vé chiếu 3D, tương đương cân thịt bò thăn. Quay ở Việt Nam cơ mà. Tin không vui lắm: Đâm ra nghĩ ngợi nhiều vì câu thoại “Nơi này không thuộc về chúng ta”.

Lại râm ran thành chuyện du lịch. “Ở Việt Nam có siêu thị không?”, “Toàn nhà bằng gỗ à? Nhiều núi?”, “Nếu tôi đến đó du lịch có tìm được món Âu để ăn không?”... Vẫn còn không ít người bản xứ hỏi Việt kiều ở châu Âu như vậy. 

Đâu rồi những thước phim quảng bá đường phố, chung cư hiện đại, tòa nhà sắp chọc trời, khách sạn như mơ, khu vui chơi giải trí sầm uất ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng? Sao chỉ toàn clip Việt Nam với hàng rong, làng bản, núi non, sông suối, ruộng nương?

Đằng sau sự may mắn vì người Hollywood bỗng mang King Kong đến làm tổ ở Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình là gì? Đặc sản đồng quê, núi non, làng xóm còn hoang sơ và con người chất phác thuần hậu mới là thứ thuộc về chúng ta, nhận diện chúng ta? 

Đó mới là cảm hứng để khách du lịch nước ngoài muốn trải nghiệm? Đô thị hiện đại ào ào mọc lên bằng cách phá đi biết bao thứ cổ cũ chân quê, thực ra không phải phong cách của chúng ta, không thuộc về chúng ta?

Xem King Kong ở Bỉ, nghĩ về du lịch Việt ảnh 1

Poster và bỏng ngô quảng cáo phim "Kong: Đảo đầu lâu" tại rạp ở Bỉ.

“Tôi ở Hà Nội gần hai chục năm mới ra nước ngoài du học và định cư mà lần nào về thăm cũng cảm thấy như không thuộc về nơi này nữa rồi”, Ngọc Quỳnh kể. Trong nhóm du học sinh Việt ở Anh tôi quen, Quỳnh chịu khó mời gọi người bản xứ thăm Việt Nam nhất, không cần chờ đến ông Kong. Hầu như lần nào đưa gia đình về quê, cô cũng kéo được thêm dăm ba đồng nghiệp Anh sang cùng. 

Một kiểu đại sứ du lịch thầm lặng. Tiền tiêu vặt 100 euro/ngày/người, đoàn giao cho Quỳnh quản lý. Cô thường phải bù thêm “Thuê thuyền vào tham quan di tích đã nằm trong giá vé, lái đò luôn đòi típ thêm. Cho 50 nghìn đòi 100 nghìn đồng, trong khi văn hóa tip của Tây cũng chỉ 1- 2 Euro. 

Không cho là bị chửi, mà để họ chửi khách mình giấu mặt vào đâu. Họ chặt chém khách một lần rồi chẳng cần gặp lại, còn mình vẫn phải về Anh làm việc cùng nhau”. 

Riêng tôi chán nhất mấy bác xích lô, mặt mũi chất phác cũng cao giọng vống giá “500 nghìn một cuốc dọc phố cổ”. Có lần, tôi phải chỉ vào mặt mình “Bác nhìn kỹ em đi, người Việt cả mà còn không nói đúng giá”, “Cô cho xin 200 nghìn vậy”. Xong cuốc xe, tôi thường đưa thêm tiền “Đây, xin bác từ nay cứ thật thà chân quê cho em. Nói đúng giá, không phân biệt tây hay ta. Làm ăn thật thà tiền thưởng còn hơn nói thách.”

Minh Thu- bà chủ cửa hàng thực phẩm ở Bỉ cũng nhiều lần đưa nhân viên bản xứ sang Việt Nam du lịch, đúc kết “Chừng nào dịch vụ du lịch nước mình thống nhất làm đúng giá, chất lượng, như quán xá nhà hàng xác định món ăn nấu cho khách cũng cho con mình ăn được, thì những cơ hội về du lịch như phim mang lại mới thực sự thuộc về chúng ta.”

Gần đây, trên mạng bàn nhiều về người Việt sẵn sàng trả thêm chi phí để được du lịch Bhutan. Chưa biết cảm nhận về nơi hạnh phúc nhất thế giới thực đến đâu, nhưng cách visa chỉ được cấp khi 100% tiền tour đã nộp cho Tổng cục du lịch Bhutan (tiền được giữ đến khi kết thúc tour, trừ thuế mới chuyển lại cho công ty lữ hành bản địa), khiến ai đi về cũng thoải mái “du lịch quy về một mối, đầu tư lại cho đời sống người dân nên đi đâu cũng thấy cảnh thanh bình, dịch vụ đúng giá”. 

Thanh Trà- Giám đốc truyền thông một công ty du lịch lớn ở Việt Nam cũng vừa bỏ tiền túi trải nghiệm Bhutan, khuyên tôi “Nên đến đây để detox tinh thần. Đất nước mở cửa dè dặt nhưng người dân không quá ngạc nhiên khi thấy khách nước ngoài len lỏi vào chợ. 

Chính mình cứ phân vân không biết có đang làm ảnh hưởng cuộc sống của họ hay không. Rất thích cảm giác ngắm đồ ăn không có dấu hiệu của sự đầu độc. Nhìn là cảm được tính tự nhiên của thực phẩm mọc lên từ đất lành, là thấy sự sống ở đây vẫn còn nguyên vẹn, là hiểu ra ý nghĩa cuộc đời mình hằng mong đợi”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.