Xem Tùng Dương 'thay áo'

Nguồn ảnh: Thể thao & Văn hóa
Nguồn ảnh: Thể thao & Văn hóa
TP - Với Trời và đất, Tùng Dương đã đẩy mạnh tố chất độc lạ cộng với những hiệu ứng nghệ thuật thị giác khiến khán giả cảm thấy không chỉ đã tai mà còn tương đối mãn nhãn.

Sân khấu được thiết kế mô phỏng đĩa bay, và anh là “cơ trưởng” đưa khán giả đi thăm các hành tinh khác. Các hiệu ứng bệ nâng, vũ công treo người múa trên cao không mới lạ gì, đã được vài ca sĩ khác sử dụng trong chương trình của họ. Cái được của Tùng Dương là biết chắt lọc và cho các hiệu ứng một ý nghĩa gắn với ý đồ của chương trình.

Âm nhạc và giọng hát Tùng Dương có sức gợi về cảm xúc và cả tư duy. Vì thế nhiều khi mình anh đánh vật với bài hát trên sân khấu trống trải dễ tạo cảm giác chênh vênh. Có thêm các hiệu ứng thiết kế sân khấu, thời trang, ánh sáng… phụ trợ, âm nhạc của Dương như được chắp cánh. Nói cách khác Dương đã tìm ra cách hữu hiệu nhất để thể hiện bản thân qua chương trình này. Trang phục của Tùng Dương được lựa chọn cầu kỳ và có phần tinh tế hơn hẳn những lần xuất hiện trước. Tóm lại những gì gọi là điên, độc, lên đồng… làm nên thương hiệu Tùng Dương nay được anh đẩy lên một mức cao hơn nữa để trở thành ca sĩ không chỉ để nghe mà còn để xem.

Về phần nghe, Tùng Dương tỏ ra có ý thức tiết chế ở những bài mở màn như Mang thai, Li ti nghe dễ chịu. Khán giả được dịp nghe rõ chất giọng rung, “nảy hạt” tự nhiên của Tùng Dương. Chính vì thế nghe Tùng Dương, khán giả cảm thấy có gì đó xốn xang, rạo rực, không thể ngồi yên. Đó chính là nguồn cơn phong cách lên đồng của anh. Nhưng khi Dương hát quá to, độ rung sẽ mờ đi, âm thanh có cảm giác bị vỡ.  Nếu Tùng Dương tỉnh táo tiết chế từ đầu đến cuối sẽ là một thành tích đáng kể đối với chính anh. Rất tiếc là chương trình có sự tham gia đầy đủ của các diva- những người cũng có khả năng hát to ngang và hơn chủ nhân nên Dương nhanh chóng bị cuốn theo.

Ở những chương trình có sự tham gia của bộ tứ diva, người ta thường hay xếp Hà Trần hát mở màn và kết là Thanh Lam. Nói chung là có vẻ theo độ to của giọng. Riêng Tùng Dương có cách xếp khác, Mỹ Linh là khách mời ra đầu tiên, khóa đuôi lại là Hà Trần. Cách sắp đặt này hợp lý. Mỹ Linh là ca sĩ chuyên nghiệp đầu tiên mà Tùng Dương được hát cùng khi anh 9 tuổi. Tuy nhiên sự kết hợp của hai người tỏ ra chưa ăn ý lắm. Thanh Lam lên sàn trước Hà Trần. Như thường lệ chị áp đảo toàn bộ khán phòng bằng cường độ âm thanh vô địch. Vấn đề là hát gì. Nếu chỉ là: “Cái rượu say ơi/ Cái rượu vào ta cái rượu say à…” thì khán giả lại tưởng ca sĩ đang mô phỏng trạng thái say rượu(!)

Hà Trần vẫn gây ngạc nhiên khi biết to nhỏ tùy bài, tùy lúc. Cảm giác cô chạm trổ từng con chữ khi hát Rũ cánh. Con đường âm nhạc và các thể hiện của Hà và Dương cũng gần nhau hơn cả. Vì thế sự kết hợp của họ có tính tương hỗ, bùng nổ đáng để kết chương trình.

Hồng Nhung có cách khiến người ta không thể không nhắc đến chị. Màn diễn bắt đầu bằng cái mic ra trước (nhân viên hậu đài đặt trên bục diễn) rồi ca sĩ mới bằng vũ đạo (lăn lê bò toài) di chuyển đến lấy mic. Diva U50 nằm ngửa và múa trên sàn diễn trong khi divo đứng múa. Khán giả cứ gọi là tròn mắt vì 3 vòng như gái 18 của “vận động viên” Hồng Nhung. Chị hoàn toàn có thể trở thành diva nhạc dance nếu muốn, kể cả ở tuổi này.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.