Xét tặng giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh: 'Nới' tiêu chí, lo ngại chất lượng giảm

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nêu bất cập về giải thưởng. Ảnh: Toan Toan.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nêu bất cập về giải thưởng. Ảnh: Toan Toan.
TP - Thiếu tiêu chí giải thưởng, không đủ tỷ lệ phiếu bầu là hai trong số bất cập nổi cộm trong kỳ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước vừa qua được các nghệ sỹ, nhà chuyên môn nhắc nhiều nhất trong hội thảo lấy ý kiến sáng 22/8.

“Nới” tiêu chí

Sau mùa xét giải thưởng 2016 khá ồn ào, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ VHTT&DL lấy ý kiến các hội chuyên ngành, nghệ sĩ để điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTT&DL nhắc hai vấn đề bị thắc mắc và góp ý nhất là tiêu chuẩn xét giải thưởng, tỷ lệ phiếu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng phải đạt trên 90% - quy định trong Nghị định 90.

Nhiều đại biểu cho rằng tiêu chí phải có giải thưởng A, vàng, xuất sắc tại các cuộc thi, liên hoan chưa phù hợp. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nói đối với ngành Mỹ thuật, 20 năm làm nghề, Bộ chỉ tổ chức 4 liên hoan triển lãm, vài chục người được huy chương trong khi hàng nghìn người tham gia. “Có ngành không bao giờ chấm giải như tượng đài thì lấy đâu giải thưởng”, ông Cường nói. NSNA Chu Chí Thành nhắc lại, nhờ sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ năm qua nên ngành Nhiếp ảnh mới có 5 giải thưởng, trong đó 4 được giải Hồ Chí Minh. “Tác giả thời chiến tranh không dự thi làm sao xét giải thưởng được, chẳng hạn anh Lương Nghĩa Dũng hy sinh 1972”, ông Chu Chí Thành nói.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng quy định phải đạt trên 90% phiếu đồng ý của hội đồng là một trong số bất cập. TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng quy định này gây khó, bởi chỉ 1 người không bỏ phiếu là “chết”. Trường hợp Bùi Thiện vừa rồi, dù tác phẩm chất như núi nhưng có người không biết nên không bỏ phiếu. Đấy là còn chưa nói nhiều chuyên ngành khác nhau trong hội đồng không biết về nhau, không có thời gian đọc và hiểu, rồi yêu ghét cảm tính. “Phải đạt 90% phiếu bầu thì chỉ có bảo nhau, vận động mới đủ phiếu. Nghệ thuật không thể lấy số đông. Cá tính của nghệ sĩ lớn lắm, sáng tạo của nghệ sĩ này chưa chắc được nghệ sĩ khác công nhận nhưng lại được công chúng tôn vinh”- Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nói.

GS.TS Lê Hồng Lý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa phát biểu từ kinh nghiệm ngồi hội đồng xét tặng vừa rồi - đồng tình với đề xuất giảm tỷ lệ phiếu bầu xuống còn 75-80%. “Vừa rồi tiếc nhất anh Bảo Ninh vì thiếu 1 phiếu, tôi đồng tình hạ mức 90%”, GS Lý nói. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn lại cho rằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước phải được tâm phục khẩu phục cho nên tỷ lệ 75% là ít, ông kiến nghị giữ mức ít nhất 80% đồng thuận. Ông Chu Chí Thành đề xuất không nên tính tỷ lệ thành viên bầu, nên có khung điểm thì chính xác hơn. “Một thành viên khi đánh giá tác phẩm phải chấm điểm, không đồng tình không có nghĩa đạp đổ tác phẩm”, ông nói.

Ngày càng non?

Một trong những vấn đề rộ lên thời gian qua là chất lượng giải thưởng không thể sánh thời trước. “Giải thưởng cần đúng người đúng việc mới tác động lớn đến văn học nghệ thuật”, ông Chu Chí Thành nói. Theo ông Trần Hữu Sơn, gần đây giải Hồ Chí Minh yếu hơn giải Nhà nước của chính tác giả đó. “Vì các bác nộp hết tác phẩm xét Giải thưởng Nhà nước rồi, giai đoạn sau tự nhủ cỡ mình sao không được giải Hồ Chí Minh. Tôi rất sợ giải Hồ Chí Minh ngày càng kém, nhiều giải Hồ Chí Minh thua giải Nhà nước”, ông Sơn nói. 

“Nhiều khi vắt kiệt sức cho giải thưởng Nhà nước rồi, đến giải Hồ Chí Minh không còn gì nên họ sẽ phải bơm vào những tác phẩm chưa xứng tầm”, nhà văn Chu Lai phát biểu bên lề hội thảo. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng cần tháo gỡ tình trạng khập khiễng-giải thưởng Hồ Chí Minh cao hơn và uy tín hơn nhưng chưa chắc giá trị bằng Nhà nước. “Đánh giá sự nghiệp của một con người đôi lúc chỉ cần một tác phẩm đỉnh cao, tỏa sáng như tác phẩm nhiếp ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hay như tác phẩm Bài ca hy vọng là tác phẩm lớn… và còn nhiều tác phẩm lớn khác”, nhạc sĩ Ngọc Khôi nói.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho rằng đợt xét tặng vừa rồi giải Hồ Chí Minh yếu hơn. Ông lấy ví dụ Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Hữu Mai xứng đáng nhưng tác phẩm để xét giải cho họ không oách bằng đợt xét giải Nhà nước nên trong mắt dư luận giải thưởng giảm bớt giá trị. Bên lề hội thảo, ông Chu Chí Thành cũng đề xuất vẫn nên xem xét tác phẩm của tác giả từng xét ở giải thưởng Nhà nước. “Tác phẩm được công nhận ở giải Nhà nước rồi, nay được đề nghị kèm công nhận giải Hồ Chí Minh không có gì trái tự nhiên cả”, ông Thành nói. Ông cũng nói, giải thưởng cao quý này trao cho một tác giả chính là sự đánh giá công lao của họ đóng góp cho Nhà nước, sự phát triển văn học nghệ thuật.

“Phải đạt 90% phiếu bầu thì chỉ có bảo nhau, vận động mới đủ phiếu. Nghệ thuật không thể lấy số đông. Cá tính của nghệ sĩ lớn lắm, sáng tạo của nghệ sĩ này chưa chắc được nghệ sĩ khác công nhận nhưng lại được công chúng tôn vinh”

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường

Về vướng mắc trong sửa đổi tiêu chí giải thưởng cần có để xét giải, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL nói rằng trong quá trình xây dựng Nghị định 90, cơ quan chuyên ngành nghĩ đến cơ chế mềm cho tác giả không có giải thưởng. “Chúng tôi đề xuất xem xét bổ sung trường hợp được trao huân, huy chương. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp coi đó là sự đóng góp với sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, còn giải thưởng là xét sự đóng góp của tác phẩm”, ông Thái nói. Bộ VHTT&DL ghi nhận các đóng góp và xem xét trong quá trình hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.