Xông đất Quan họ

Xông đất Quan họ
TP - Làng Đặng mùng 8 Tết Đinh Hợi. Nhà chị Quýnh ở ngay mặt đường liên xã- nay mai sẽ thành tỉnh lộ. Nhưng bước qua cổng gạch, vào chiếc sân gạch rộng rãi, một không gian quan họ vẫn khá vẹn nguyên.

Khách khứa được thưởng thức món lẩu trước khi bước vào đêm hát. Cô gái dong dỏng cao bày mâm được giới thiệu là liền chị tên Mến - Con dâu của chị Quýnh.

Nhiều năm trước, Mến từ làng bên sang học quan họ đã “bị” chị Quýnh bắt về làm dâu. Đám cưới Quý - Mến theo phong tục quan họ từng được báo Tiền phong đưa tin. Nay Mến đã 2 con, vẫn mỏng mày hay hạt, thắt đáy lưng ong, và đã giắt lưng được vài giải quan họ ở tỉnh. Ngồi chưa ấm chỗ, các liền chị trong làng và từ Diềm đã tới. Liền chị trẻ nhất hội là Mến và liền anh trẻ nhất là Hiển cùng tham gia sắp mâm bát.

Mặc dù gia chủ không có điều kiện làm cơm quan họ (đúng kiểu phải được đựng trong bát đàn và bày làm 3 tầng...) nhưng bữa lẩu cũng được diễn ra gần như lề lối ăn cơm quan họ. Tức là uống một chén cũng hát, mà ăn một miếng cũng có hát kèm: Câu ca câu xướng cũng hay/ Không trà không rượu cũng say mới tài (Con chim thước).

Đưa tận tay khách chén rượu vang đỏ rồi hát tay tiên chuốc chén rượu đào... thì ai mà không uống! Trong lúc hai liền chị hát, anh bạn là dân nghiên cứu nhạc cổ nháy tôi giữ nguyên chén rượu trên tay để nghe. Và tất nhiên là không được động đũa. Nhưng đến bài sau, chắc không nhịn được nữa, đã thấy anh dè dặt cắn một miếng thịt gà.

Mời nhiệt tình vậy chứ liền chị chả ăn mấy. Bao nhiêu đĩa đẩy hết sang phía khách. “Chú bảo ăn để mà phè ra không mặc được áo à?” - Các chị nói với nhà nghiên cứu...

Các liền anh tiếp lời bằng bài Khách đến chơi nhà qua câu hát Chè mạn hảo: Trà này tinh khiết người ơi/ Trà mạn hảo có hương có vị/ Lịch trăm chiều trăm vẻ càng xinh... Vừa hát, anh Hiển vừa từ tốn nhúng đĩa cải thảo vào nổi lẩu điện sôi sục. Thật là tinh thần hiếu khách hát đi đôi với làm!

Hỏi chị Quýnh làm đội trưởng được bao nhiêu năm. Chị lại quay sang hỏi anh Ninh: “Cháu Nhàn năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?” “13”. “Như vậy là tôi làm đội trưởng được 15 năm”.

Chả là anh Hai Ninh hôm diễn toàn huyện thì ở nhà vợ đẻ... Trên chiếu không có ai là chị Tư anh Ba mà tất cả đều được chị Quýnh giới thiệu là anh Hai chị Hai cả. “Vì ai đi thi tỉnh cùng nhất cả”, chị thanh minh.

Anh Hiển hai lần thi cặp với anh Ninh, anh Minh đều từng đoạt giải Nhất. Các cặp liền chị Oanh - Mến, Hòa - Hợp cũng đều từng đoạt giải Nhất. 10 năm liền đội quan họ làng Đặng nhất huyện (Yên Phong).

“Đương Xá (tên khác của làng - PV) mà đã thi thì mình thôi”, các làng khác nói vui. “Bí quyết duy trì CLB là hoạt động đều, đoàn kết nhất trí. Đoàn kết là sức mạnh tổng hợp để chiến đấu”, nữ cựu quân nhân cười nói. Vừa là y sĩ vừa là nghệ sĩ” - Chị Quýnh vẫn nhớ lời chính ủy nói về mình thời tại ngũ.

Say quan họ

Xông đất Quan họ ảnh 1
Cảnh hát không tăng âm

Chị Hai Huệ ít nói, chỉ ngồi cười tủm tỉm. Chồng chị công tác ở Hà Nội, tối lại bắt xe buýt về làng. Chứ chị nhất quyết không ra Hà Nội ở. “Chẳng gì bằng tình cảm ở quê. Tôi ra Hà Nội một tuần, nửa tháng là chán. Nhà đã nhỏ lại đóng kín cửa suốt ngày trong nhà. Ở đây, mỗi lúc rỗi, tôi sang đây học hát, rồi đi chơi với chị em. Thích lắm!”

Khi con cái đã lớn, cách đây 10 năm, chị Huệ bắt đầu theo CLB, đi thi đơn ca trên sân khấu. Năm 2000, chị tìm được người hát cặp bắt đầu thi hát đối. Từ 100 - 130 rồi đến 150 bài. Bây giờ chị tự hào đã thuộc 300 bài. Người hát cùng chị lấy chồng bên làng Trọi, cách một cánh đồng với một con đê. “Năm thì bạn hát bụng to hụt hơi, năm thì con nhỏ bận bịu nên đôi của tôi không được Nhất” -Chị phân bua.

Bố Huệ từng hát chầu văn, hát tuồng. Con trai chị hồi 5 tuổi chưa ai dạy đã bi bô quan họ. “Đoàn Quan họ từng mượn cháu vào Huế đi hội diễn nhưng bố cháu không cho đi, muốn cháu tập trung học”. Chị còn khoe, anh xã riêng đánh máy lời bài quan họ cho vợ mấy năm nay đã mất cả yến giấy A3.

“Thiếu một chữ i, chữ ơ là phải đánh lại”. Huệ  chính là chị ruột Hiển. Hiển hát cặp với cậu em con dì, còn Huệ lại cặp với con ông chú.  Hiển hiện đang phụ trách lớp 15 cháu của làng và một lớp bên Nội Duệ do Sở VHTT tổ chức. Sinh năm 1967, anh là người trẻ nhất trong số các giáo viên quan họ ở làng.

Đang ngồi uống nước thì 2 liền anh Xuân Trường và Thanh Xuân từ Đọ Xá đỗ xịch xe máy trên sân. Hôm nay bên Đọ mở hội làng mà anh Trường là Trưởng BTC. Nhưng nghe chị Quýnh mời sang hát cho khách Mỹ nghe nên anh cũng cố gắng thu xếp.

“Chiều nay tưởng không đi được nữa. Thi chạy gió, cướp cờ, nấu cơm trống giục mệt lắm” - Anh Trường kể lể. Sáng mai, 2 anh lại phải đi Vĩnh Phúc biểu diễn sớm. Các liền anh quan họ đang độ đắt hàng. Cả tỉnh Bắc Ninh, các cặp liền anh biết hát đối chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thấy Hiển lật đi lật lại một quyển sổ lạ từa tựa tập menu nhà hàng, tôi lại gần xem cho kỹ. Hóa ra quyển lời bài hát quan họ, khổ bằng một nửa trang A4, chép tay, chữ nắn nót. Mỗi trang đều được ép plastic, đóng lại với nhau bằng dây thép. Trang cuối có cả mục lục. Đây là kỷ vật của anh Hai Cách - Chồng chị Quýnh, cựu chiến binh - mất hơn  một năm trước do chất độc da cam. Mỗi lần tụ họp tại nhà chị Quýnh, các liền anh lại mang cuốn sổ ra để mở trước mặt hay cầm trên tay mà hát.

Canh hát

Trước khi vào canh hát, chị Quýnh có vài lời: “Các liền anh liền chị không quản đường sá xa xôi về đến đất nước chúng em, vậy xin cho 2-3 lối hát để chúng em học tập...”.

Mọi người dọn giọng bằng những bài lề lối, trong đó có cả 2 bài đã hát trong bữa lẩu là Con chim thướcChè mạn hảo, rồi đến Kim Lan, Cái hời cái ả... Hát lề lối có phần trầm bổng ngân nga hơn.

Riêng để hát hết một câu như Cổ tay em vừa trắng vừa tròn/ Để cho ai gối đã mòn một bên đã mất ngót 5 phút. Xong lề lối đến giọng vặt. Cứ một bên hát một bài thì bên kia phải có một bài cùng nhạc điệu nhưng khác lời để đối lại. Chẳng hạn bên nữ hát Trai thanh tân sánh gái mỹ miều thì bên nam giả nhời Trai thanh tân còn thi cử dập dìu... Canh hát không dùng tới các thiết bị tăng âm. Chính vì thế, người nghe thêm lắng nghe.

Thỉnh thoảng giữa cuộc hát, liền anh bên Đọ lại nói tếu. Chẳng hạn, anh hỏi thăm bên Đặng đã chổng mông (ý nói “cấy”) xong chưa. Dù sao đây cũng chỉ là canh hát đặt hàng, toàn “người nhà” với nhau... Đến đôi câu giã bạn thì anh Hiển lại nói chệch thành “giã gạo”. Giã bạn không chỉ đôi câu là xong mà nó chiếm tới gần 1/3 canh hát với lời và nhạc có phần còn thiết tha hơn trước.

Thể hiện rõ tâm trạng của các liền anh liền chị thời xưa, một năm mới được đôi lần yêu nhau qua câu hát rồi ai lại về nhà nấy. Này chị Hai ơi, ai làm áo rẽ lìa bâu/ Cau rẽ lìa trầu/ Đường rẽ phân hai. Chị Hai thì cũng chỉ biết trách trời sao khéo vô tình không khuya chút nữa... rồi người về bỏ bạn sao đành... Bên nam vội Tôi về mai tôi lại sang chơi ngay!

Các liền anh lại tếu: “Cho nhà cháu làm trạng lột được chưa?”. Canh hát xong, bộ quần áo the “lột” ra, các anh trở về là những ông trung niên vui tính. Chị Quýnh thì vẫn giữ lời ăn tiếng nói nền nã. Với người khách Mỹ chị nói: “Giã bạn nhưng không ly biệt. Từ nay bà đã trở thành thành viên của gia đình và của câu lạc bộ”.

Bà Rachel Cooper Mỹ là Trưởng phòng Văn hóa và Nghệ thuật trình diễn của Hội châu Á thuộc Quỹ Rockerfeller bày tỏ niềm vinh hạnh được là “một phần của cộng đồng của các bạn”, khen “truyền thống mạnh mẽ mà các bạn vẫn giữ được” và cảm ơn “đã chia sẻ văn hóa, lịch sử và tương lai của các bạn”. Đây là lần đầu tiên, Cooper nghe quan họ và thưởng thức bánh chưng làng Đặng.

MỚI - NÓNG