Xuân Quỳnh: Không bao giờ là cuối

Tại tọa đàm thơ Xuân Quỳnh
Tại tọa đàm thơ Xuân Quỳnh
TP - Tại tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh (28-2, Trung tâm Văn hóa Pháp), Lưu Minh Vũ, con riêng của Lưu Quang Vũ, sống cùng mái nhà với "má Quỳnh" và các em, nghẹn ngào: "Thơ của mẹ, của bố giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất, giúp tôi cân bằng".

>> Lưu Quang Vũ, nhà thơ cổ điển từ tuổi 20

Tại tọa đàm thơ Xuân Quỳnh
Tại tọa đàm thơ Xuân Quỳnh.

Buổi tọa đàm giới thiệu đến độc giả hai tuyển thơ Xuân Quỳnh mới xuất bản: Không bao giờ là cuối (Lưu Khánh Thơ tuyển chọn) và Si demain... (32 bài song ngữ Việt- Pháp, Nguyễn Minh Phương dịch).

Theo nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ (em nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ - chồng Xuân Quỳnh), tuyển thơ gồm ba phần: Thơ tình; thơ về những năm tháng không yên của đất nước và lòng người; thơ thiếu nhi. Tuyển tập còn có tranh minh họa của Lưu Quỳnh Thơ, con út của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.

Dẫn dắt cuộc tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Xuân Quỳnh chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống của chúng ta. Rằng Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ với những câu thơ có tính tuyên ngôn như Em đã tập làm thơ cho có ích.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn khái quát: Xuân Quỳnh là sự hòa trộn hai khía cạnh dữ dội và dịu êm, hài hòa "dương nữ" và "âm nữ". Trong đó hình ảnh tổ ấm, sự bình yên là một mã để hiểu thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ nhìn mọi vật đều quy chiếu về tổ ấm: Người yêu, bầu trời, vòm cây, mái phố, nhà ga. Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ là một trật tự bình yên như thế.

Vi Thùy Linh, trái lại, bày tỏ rằng chị không ấn tượng với các bài thơ tình yêu của Xuân Quỳnh; theo chị, Xuân Quỳnh rất "âm nữ", truyền thống và thiếu tự tin. Nhưng chị trân trọng nhất ở Xuân Quỳnh phần thơ thiếu nhi. Vì khi viết cho các em bé, Xuân Quỳnh tươi vui, đầy tự tin và đi hết biên độ con người mình.

Nhiều câu chuyện thú vị của đồng nghiệp và bạn học, khiến độc giả biết thêm về chân dung nhà thơ, như tính cả lo, hóm hỉnh, chữ viết tay rất xấu và không biết viết chữ hoa, rồi sợ nói trước đông người…

Lady Borton, nhà văn Mỹ, tác giả cuốn Phía sau nỗi buồn, kể năm 1988 trên chuyến bay sang Việt Nam, bà tâm niệm phải gặp bằng được Xuân Quỳnh nhưng xuống sân bay thì nghe tin chị mất, bà đã bỏ mọi việc để đến đám tang.

Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ cũng kể, trong cuốn phim quay đám tang của gia đình có hình ảnh một phụ nữ nước ngoài, mãi về sau mới biết đấy là Lady Borton, một người bạn của Việt Nam. Lưu Tuấn Anh con trai Xuân Quỳnh nhớ lại, mẹ là người sống toàn tâm, hết mình và đầy lòng nhân ái.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.