Xuất hiện nhân vật còn lại trong bức ảnh “Hai người lính”

“Hai người lính”, ảnh Chu Chí Thành. Đã có thể tìm ra nhân vật còn lại trong ảnh?
“Hai người lính”, ảnh Chu Chí Thành. Đã có thể tìm ra nhân vật còn lại trong ảnh?
TP - “Hai người lính” là bức ảnh nổi tiếng bởi sự độc đáo. Về số phận nhân vật trong ảnh, thoạt tiên có tin anh bộ đội đã chết, còn người lính Sài Gòn không manh mối. Sau đó anh bộ đội xuất hiện trên báo Tiền Phong tươi cười khỏe mạnh, còn người lính Sài Gòn thì có giả thiết là đã tử trận. Và bây giờ, hy vọng đúng là sự thật hoàn toàn, và tin vui cho tất cả ai quan tâm bức ảnh “Hai người lính”.

Manh mối mới

Đêm 30/4, không ngủ được tôi lôi iPad ra lướt mạng. Tình cờ vào Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, tôi gặp lại bức ảnh nổi tiếng Hai người lính với những dòng trạng thái ông Tuấn viết rằng ngay lần đầu nhìn ảnh ông đã rất xúc động. Rằng “hãy để mỗi 30/4 là thêm một cột mốc người Việt siết chặt tay nhau hơn”. Cuối cùng ông Tuấn viết “có bài viết kể người lính Nam đã chết ngay sau đó. Nhưng tôi không muốn tin điều khắc nghiệt ấy”.

Ở phần tương tác với dân mạng vào “nhà” mình, ông Tuấn dẫn bài báo Tiền Phong tít là Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính.

Trong bài báo đó, in số Tết 2016, một trong số “tình tiết mới” so với các báo: Anh bộ đội trong ảnh tên Nguyễn Huy Tạo, hiện sống khỏe mạnh ở Hà Nội chứ không phải Dương Minh Sắc quê Thạch Thất, Hà Nội chết cách nay 6-7 năm như có báo đã đưa.

Cựu binh Tạo, trong bài báo trên kia của tôi (DPV), có nêu giả thiết đến chín mấy phần trăm, rằng người lính Sài Gòn đã chết ngay sau hôm chụp ảnh cùng ông. Không chứng kiến nhưng ông nghe chiến hữu của anh ta kể lại như vậy.

Trong đêm, lần hồi đọc hàng trăm bình luận ở FB Trần Đăng Tuấn, tôi dừng ở một dòng ngắn ngủi, có người viết rõ ràng rằng người lính còn lại trong bức ảnh còn sống. Nhưng không muốn xuất hiện. Cho nên đừng tìm mất công và đừng hỏi thêm.

Từ đầu mối này, lần theo hàng loạt trang, “nhà” khác, cuối cùng tôi cũng tới được đầu mối có căn cứ nhất. Một trong số đó là người thanh niên tự nhận là con trai người lính Sài Gòn trong ảnh. Đáp lại sự căn vặn, hồ nghi của một số dân mạng, anh cuối cùng còn đăng lên bản chụp tấm thẻ căn cước của cha mình thời Việt Nam cộng hòa, và Chứng minh Nhân dân làm năm 2001.

Tóm lại, tổng hợp, xâu chuỗi một loạt thì có được thông tin về một trong “hai người lính” như sau: Ông tên Bùi Trọng Nghĩa, sinh 1954. Đi lính có số quân là: 74/122769, tiểu đoàn 6, lữ đoàn 369 thuộc sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Hiện có vợ, một con trai, cháu nội, sống trong căn nhà 40m2 ở TPHCM. Vợ buôn bán lặt vặt còn ông Nghĩa hành nghề xe ôm để mưu sinh.

Xuất hiện nhân vật còn lại trong bức ảnh “Hai người lính” ảnh 1

"Tay bắt mặt mừng"- bức ảnh chụp cùng thời điểm bức "Hai người lính" với sự có mặt của cả "hai người lính". 

Người lính còn lại?

Đầu năm 2016, trò chuyện với cựu binh Nguyễn Huy Tạo để viết bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính, vui mừng bao nhiêu khi gặp anh bộ đội sống sờ sờ khỏe mạnh, cuộc sống ổn định, thì thất vọng bấy nhiêu trước thông tin: Người lính còn lại đã chết ở chốt Long Quang, Cửa Việt thuộc xã Triệu Trạch, tỉnh Quảng Trị vào mùa xuân năm ấy, 1973.

Về bối cảnh của bức ảnh Hai người lính thì nhiều người đã biết: Cuối tháng 3/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Phóng viên Chu Chí Thành bất chợt chứng kiến cảnh hai phe vượt rào chạy sang địa phận của nhau chuyện trò rôm rả, tay bắt mặt mừng. “Một người lính Sài Gòn khỏe mạnh đẹp trai tươi cười bắt tay cô du kích xã Triệu Trạch. Anh bộ đội đứng cạnh thân mật quàng vai anh ấy. Xung quanh, hai phía đều hồ hởi. Thú vị ngoài sức tưởng tượng nên tôi nhanh chóng lấy nét, bấm một kiểu trung cảnh”. Ðột nhiên người lính Sài Gòn nói: Anh nhà báo, chụp cho em một kiểu với anh giải phóng đây. Tôi nghe vậy thích quá. (Lời Chu Chí Thành).

Ông Tạo kể trong bài báo của tôi rằng sau cuộc gặp- được bức ảnh lịch sử ghi lại, có Ðoàn Văn công Quân khu 5 đến biểu diễn cho hai bên xem. Trong số tiết mục có Tiếng đàn Ta-lư : “Một hai ba bốn năm sáu chục, tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia, nó bị bắt trên rừng, bộ đội giải phóng ơi, các anh đánh hay hung... “Sau đó phía bên kia gấp rút báo động, lựu đạn gài của họ phát nổ, có lẽ do ai đó chạy chệch hướng. Anh lính Sài Gòn đã chết vì lý do đó, tôi nghe phía bên kia kể lại như vậy”- ông Tạo thuật.

Hồi đó, hơn một năm trước, tôi đã viết rằng vì chưa gặp  đồng ngũ của Nguyễn Huy Tạo nên tôi “chưa dám xác quyết hoàn toàn những điều ông kể. Chẳng hạn, có đúng người lính Sài Gòn đã chết, lại còn chết trong tình huống nhạy cảm liên quan đến một bài hát? Trí nhớ của một thương binh có tuổi có phản lại ông chút nào trong câu chuyện hơi nhiều tình tiết 43 năm trước?”

Hôm nay, chỉ chờ trời sáng tôi gọi điện ngay cho Chu Chí Thành thông báo điều mình vừa biết. Hóa ra ông Thành cũng vừa được một phóng viên truyền hình cho biết có thể có manh mối anh lính Sài Gòn và muốn ông Thành bay vào gặp nhân vật của mình để làm một phóng sự 30/4.Tuy nhiên khi ông Thành kết nối được với bố con ông Nghĩa qua điện thoại, họ vẫn từ chối xuất hiện. Địa chỉ của họ thì ông Thành chưa kịp biết.

Tôi không hề tiếc cái công mò mẫm suốt đêm để có được thông tin quí báu liên quan đến bài báo cũ của mình. Bởi thêm một lần nhận ra sự diệu kỳ của internet, mạng xã hội. Nhất là phút nhìn thấy bức ảnh ông Bùi Trọng Nghĩa tuổi ngoài 60, quá giống người lính trong bức ảnh chụp 44 năm trước.

Chiều 3/5 cảm thấy không tiện gọi điện cho ông Nghĩa, tôi cất công nhờ một cộng tác viên ở TPHCM truy tìm tông tích “một người lính”. Mất cả ngày trời dò hỏi khắp nơi. Có thông tin ông từng sống ở quận Phú Nhuận cùng mẹ và con trai, sau khi mẹ mất thì chuyển về quận 12 và Hóc Môn. Tiếp tục đào xới hai nơi này. Cuối ngày, qua điện thoại ông Nghĩa bước đầu xác nhận với cộng tác viên của tôi rằng ông từng đi lính thủy quân lục chiến và có chụp chung ảnh với một người lính giải phóng! Hiện hành nghề xe ôm ở Bình Dương nên hai, ba ngày ông mới về Sài Gòn một lần.

Một nhân vật nữa tôi tìm đến chiều qua là đại tá Trần Long, sĩ quan Trung đoàn 48 đóng ở Cửa Việt, Triệu Trạch, Quảng Trị thời điểm 3/1973. Hồi đó ông Long là Chủ nhiệm Trinh sát của sư đoàn đồng thời là Chủ nhiệm Trinh sát của Bộ tư lệnh Mặt trận Cánh đông.

Trong dòng hồi ức, đại tá Long nhớ lại những “ngày hòa hợp” ngắn ngủi xưa kia, không chỉ ở khu vực có C6, D2, E48, F320b- đơn vị Nguyễn Huy Tạo đóng quân, mà rải rác các điểm khác của tiểu đoàn.  Ông kể: “Đêm đó gặp nhau xong, lính phía bên kia bắn pháo hoa và các tín hiệu khác lên trời, hò hét ăn mừng ghê lắm. Là người lính thực thi nhiệm vụ chứ về bản chất có thù hằn gì nhau đâu”.

Hy vọng

Nghe nói Bùi Trọng Nghĩa đã biết về bức ảnh Hai người lính từ vài năm nay. Không hiểu lý do chính nào khiến ông ngần ngại ra mặt dù biết nhiều người , kể cả tác giả ảnh, đang tìm mình. Ngay Nguyễn Huy Tạo cũng gặp lại mình trong bức ảnh đó từ 2007, nghe mọi người phỏng đoán chán chê, kể cả nhầm lẫn lung tung nhưng chỉ đến Tết 2016 mới lần đầu công khai trên báo Tiền Phong.

42 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu thống nhất. Văn chương hậu chiến, Trần Nhuận Minh từng viết về sự éo le trong gia đình có hai anh em ở hai đầu chiến tuyến như sau: Hai em trai chết trận / Chiến tranh ở hai đầu / Ảnh thờ mờ sương khói/ Vẫn không nhìn mặt nhau”. Câu chuyện hòa giải bởi thế vẫn cần viết tiếp, từ  bếp lửa trong mỗi căn nhà.

Bùi Ngọc Tấn thì vào tháng 4/1975 đã để nhân vật của ông suy nghĩ thế này: “Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong hòa thuận. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược lại”. 

Còn đây là thơ Lưu Quang Vũ: Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Tôi không nghĩ ông Nghĩa, nếu đúng là chàng đẹp trai ngày nào trong ảnh Hai người lính, lại lăn tăn quá nhiều về những buồn đau quá khứ. Tôi hy vọng sẽ sớm gặp lại ông, tận mắt thấy và tin câu chuyện bức ảnh Hai người lính kết thúc có hậu. Trong lúc chờ đợi, tôi tạm thời chưa công bố những bức ảnh mới mà hẳn bạn đọc sẽ thú vị khi so sánh nó với anh lính Sài Gòn trong bức Hai người lính.  

Đại tá Trần Long, sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 48 đóng ở Quảng Trị năm 1973 xác nhận Nguyễn Huy Tạo, lính của ông chính là nhân vật trong bức ảnh Hai người lính, còn số phận của người lính Sài Gòn thì ông “không biết”. Tôi nói với ông: “Từng có tin anh ấy đã chết nhưng nay, nghe chừng thông tin đó đã sai?” Ông đáp: “Có thể lắm. Họ ở phía bên kia, thông tin đến với mình nhiều khi không thể chuẩn. Ngay lính của mình nhiều khi được thông báo hy sinh, báo tử về nhà hẳn hoi nhưng hóa ra không phải. Trong quá trình chiến đấu họ có thể bị thương nằm lại, hoặc lạc sang đơn vị khác. Giờ nhà báo hỏi số phận cấp chỉ huy sư đoàn của phía bên kia ở thời điểm đó thì tôi trả lời được vì đó là đối tượng tôi nắm, còn lính thì tôi không thể biết hết”.

MỚI - NÓNG