Xuất khẩu phim truyền hình đã khả thi?

“Người phán xử” phim hành động hình sự được đầu tư kỹ thuật hiện đại và dàn diễn viên cứng.
“Người phán xử” phim hành động hình sự được đầu tư kỹ thuật hiện đại và dàn diễn viên cứng.
TP - Dăm năm trước các nhà làm phim đặt vấn đề xuất khẩu phim truyền hình tuy nhiên kết quả khá dè đặt. Mới đây NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết đơn vị sản xuất phim truyền hình đầu tư mạnh về chuẩn kỹ thuật và nghệ thuật chờ thời điểm xuất khẩu phim không xa.

Tín hiệu dè dặt

Lần đầu tiên phim Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Myanmar không phải đến từ các hãng sản xuất lớn như trung tâm VFC của Đài THVN hay hãng TFS của Đài TH TPHCM. Đó là ba phim Hoàng hôn dịu dàng, Trả giáSương khói đồng hoang của Cty Lasta. Thực tế VFC sản xuất một vài bộ phim phát sóng ở Nhật như Người cộng sự, Dưới bầu trời xa cách hay Tuổi thanh xuân phát ở Hàn Quốc. Tuy nhiên các dự án này đều là hợp tác chưa được tính là xuất khẩu phim.

Dù có phim xuất khẩu sang Myanmar nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Cty Lasta khá dè dặt: “Thị trường phim Việt Nam không phải phát triển lắm và đi sau các nước trong khu vực. Không nói xa xôi mà cận kề như Thái Lan, Philippines, phim ảnh của họ phát triển hơn mình. Hiện giờ phim Việt Nam đưa ra nước ngoài gần như không có, nếu có thường ở thị trường như Myanmar hay Campuchia còn các thị trường phát triển hơn mình cực kỳ khó nhắm tới”.

Người phán xử là phim hình sự mới của VFC, kịch bản mua từ Israel và được Việt hoá. Đây là một trong số vài bộ phim gần đây được đầu tư mạnh về kỹ thuật, chấp nhận kéo dài thời gian hơn gần gấp đôi để thu tiếng đồng bộ. Ngay sau Người phán xử là phim thu tiếng đồng bộ "Sống chung với mẹ chồng" của Vũ Trường Khoa lên sóng giờ vàng VTV1. Đạo diễn Vũ Trường Khoa kể do hạn chế không có trường quay nên có khi diễn viên quay lại cả chục lần dù rất nhập vai: Gần xong thì có tiếng chó sủa, tìm mãi mới xử lý được thì tòi ra tiếng bán hàng dạo. “Chúng tôi quyết tâm đầu tư với mong muốn tới thời điểm thích hợp sẽ xuất khẩu phim ra thị trường châu Á. Ngoài yếu tố chất lượng hình ảnh, âm thanh phải đạt chất lượng stereo, muốn vậy phải thu tiếng đồng bộ”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói. Các phim Việt xuất khẩu sang Myanmar đều là thu tiếng đồng bộ không làm theo cách cổ truyền lồng tiếng. Phim thu tiếng đồng bộ tạo cảm giác chân thực và nhận được sự đồng cảm của khán giả hơn.

Không thể vội

Đạo diễn Vũ Trường Khoa đồng đạo diễn Dưới bầu trời xa cách đang phát sóng ở Nhật khá tự tin rằng kỹ thuật của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực, kể cả nước tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi xem nhiều phim truyền hình của các quốc gia khác nhau, anh thừa nhận nếu nói họ vượt trội thì mình tự ti quá, nói mình đủ sức làm như họ cần sự nỗ lực của cả đội ngũ làm phim từ khâu chấp bút viết kịch bản trở đi.

“Công nghệ của ta tiến đến HD và thậm chí có phim quay trên chất lượng 2K, thu thanh đồng bộ. Diễn viên Việt Nam về sắc vóc và kỹ thuật diễn cũng không thua kém  nhiều phim trong khu vực. Tôi nghĩ xuất khẩu phim nằm ở chỗ nhanh nhạy của bên sản xuất khi tìm kiếm đối tác phù hợp”, đạo  diễn Đặng Thái Huyền nói. Thực tế nhiều phim truyền hình nhập về từ Thái Lan, Ấn Độ và Philippines còn tệ hơn cả phim nội từ kịch bản cho tới diễn xuất, chỉ thu hút ban đầu ở yếu tố mới mẻ.

“Văn hóa cần sự đa dạng nên phim của Việt Nam phát sóng ở các nước là khả thi, tuy nhiên đó là cả quá trình thâm nhập thị trường gắn với chất lượng phim đảm bảo. Nếu các nhà sản xuất ngày một nâng cao chất lượng, các thị trường khác họ xem thấy phù hợp sẽ chấp nhận nhập khẩu. Tôi cho rằng sắp tới là cơ hội của các nhà làm phim Việt Nam bởi xu hướng trao đổi văn hoá ngày càng mở rộng. Đương nhiên không phải ngày một ngày hai ta có thể xuất khẩu ồ ạt phim Việt sang thị trường khác”, ông Nguyễn Văn Hoàng nói. Ông nói thêm, đơn vị này sắp tới làm việc với đối tác phân phối phim trong khu vực để chào phim đến nhiều thị trường khác. Đây cũng là bước khởi động tiếp cận thị trường quốc tế nhiều tiềm năng cho nền công nghiệp sản xuất phim truyền hình của Lasta nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho rằng muốn xuất khẩu phim trước hết phải thuyết phục khán giả trong nước, nhất là ở thời đại khán giả có đủ các kênh thông tin để so sánh chất lượng phim. “Bất cứ thị trường nào cũng vậy, họ làm phim trước hết để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong nước sau đó mới tính đến phục vụ khán giả nước ngoài. Thực ra nguồn thu chủ yếu của các nhà sản xuất đến từ thị trường trong nước”, đại diện Lasta nói. Ở các nước có nền công nghiệp phim phát triển như Hàn Quốc họ cũng sản xuất trước tiên cho thị trường nội địa, trừ một số dự án đặc biệt làm ra để phục vụ riêng một thị trường khác. Đó là một số phim hợp tác với Trung Quốc và có dàn diễn viên nước này tham gia, lúc này thị trường Trung Quốc còn lớn hơn cả thị trường nội địa.

Hơn thế để thực hiện theo quy định của Chính phủ đảm bảo 30% phim truyền hình Việt Nam trên sóng truyền hình cũng không hề đơn giản.

MỚI - NÓNG