Xúc tiến du lịch: Ít tiền còn tiêu hoang

Hình ảnh và vật dụng trưng bày tại Nhà Việt Nam ở Expo Milan 2015, khá nghèo nàn và kém thẩm mỹ.
Hình ảnh và vật dụng trưng bày tại Nhà Việt Nam ở Expo Milan 2015, khá nghèo nàn và kém thẩm mỹ.
TP - Câu chuyện ồn ã quanh Ngôi nhà Việt Nam tại triển lãm Expo Milan 2015 một lần nữa phản ánh thực trạng xúc tiến du lịch Việt Nam lâu nay vừa thiếu, vừa yếu.

Mấy ngày nay, thông tin do bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, lãnh đạo một trường quốc tế ở TPHCM nói về trải nghiệm buồn tại Nhà Triển lãm Việt Nam tại Expo Milan 2015 được chia sẻ khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đại diện Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) thanh minh rằng những điều này chưa chính xác, tuy nhiên tư liệu hình ảnh nhân vật cung cấp cho thấy, những thứ đem trưng bày ở hội chợ kinh tế quốc tế quan trọng này không khác gì những thứ xanh đỏ ở chợ Đồng Xuân. 

Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT&DL thực hiện quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch tại Expo Milan 2015. Bộ lập hẳn Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm trưởng ban, triển khai từ giữa năm 2014. Cuối cùng việc thực hiện và vận hành Ngôi nhà Việt Nam này được giao cho Cty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Đại diện đơn vị này phải thừa nhận, công ty được Bộ VH-TT&DL giao cho cung cấp dịch vụ ẩm thực, hàng lưu niệm không vượt qua tiêu chuẩn của BTC Expo Milan. Cho nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời trang được chọn trưng bày và bán cho du khách kém thẩm mỹ là dễ hiểu.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thừa nhận: “Nhìn hoàn cảnh chung khi kinh tế còn khó khăn, việc Nhà nước dành nguồn lực cho xúc tiến du lịch như vậy đã tốt rồi. Bên cạnh nguồn ngân sách, phải huy động nguồn lực từ địa phương, từ xã hội”.

Được biết, kinh phí dành cho hội chợ ở Italia khoảng 3 triệu USD dù chưa có con số quyết toán cuối, nhưng số tiền này không phải nằm trong kinh phí xúc tiến du lịch. Mỗi năm chúng ta chỉ có khoảng 30-40 tỷ đồng cho xúc tiến du lịch, tương đương gần 2 triệu USD. Riêng kinh phí dựng ngôi nhà tre đặt tại Expo Milan kia bằng cả ngân sách xúc tiến du lịch của Việt Nam trong một năm.

Trong một hội thảo mổ xẻ chất lượng xúc tiến du lịch ở nước ngoài đầu năm nay, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, “xúc tiến, quảng bá du lịch còn lạc hậu khiến du lịch chưa thu hút khách quốc tế. Chúng ta chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện xúc tiến quảng bá đủ tầm ở nước ngoài để thu hút khách du lịch”. Tại triển lãm ở Italia này, chúng ta có một ngôi nhà Việt Nam do KTS Võ Trọng Nghĩa phối hợp chuyên gia nước ngoài thực hiện, có vẻ hoành tráng. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện lại không chú trọng phần trưng bày cho ra bản sắc Việt Nam, bỏ lỡ cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước. Vì hội chợ này dự kiến thu hút đến 20 triệu lượt khách, kéo dài từ 1/5 đến 31/10.

Ngành du lịch nhiều lần than khó. “Thái Lan bỏ gần 100 triệu USD cho quảng bá du lịch, gần 30 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong khi chúng ta có chưa đầy 2% kinh phí xúc tiến của họ, lại chưa có cơ quan đại diện chính thức nào ở nước ngoài. Nhưng nếu so về số lượng khách hoặc tổng thu từ du lịch, thì số khách quốc tế đến Thái Lan không gấp 20 lần ta. Như vậy chê xúc tiến du lịch của mình không hiệu quả, có vẻ chưa được khách quan lắm”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành du lịch cho rằng, vấn đề không chỉ ở kinh phí hạn hẹp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam nói trong hội thảo về phát triển du lịch tháng trước: “Phải xúc tiến du lịch theo kiểu doanh nghiệp, chứ không nên chỉ giữ ở hình thức nhà nước”. Tổng cục Du lịch vẫn chọn hình thức truyền thống là tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức các đoàn fam/press trip trong xúc tiến du lịch. Mà hiệu quả của những hình thức này rất khó đong đếm, chưa kể trong các cuộc hội chợ đó chúng ta chưa thực sự tạo dựng được hình ảnh tốt, như triển lãm tại Italia này.

Không ít chuyên gia khác chỉ ra rằng, số tiền chi cho xúc tiến vốn ít ỏi, nhưng bị băm nát. Trong gần 2 triệu USD dành cho xúc tiến du lịch, 60% giao cho Tổng cục Du lịch, phần còn lại dành cho Cục Hợp tác quốc tế và các đơn vị khác. PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch từng nói, ngành du lịch đang sử dụng kinh phí theo tư duy nhiệm kỳ. “Một sự kiện mà năm nay đơn vị này làm, sang năm đơn vị khác làm, thì bao giờ chúng ta mới có một đơn vị chuyên trách để làm công tác đó”, ông nói.

MỚI - NÓNG