Ðiều kỳ diệu của Jackie Wrafter

Jackie Wrafter và những đứa con khuyết tật trong mái ấm Kỳ Anh. Ảnh H. Văn.
Jackie Wrafter và những đứa con khuyết tật trong mái ấm Kỳ Anh. Ảnh H. Văn.
TP - Jackie Wrafter nói rằng bây giờ cô không còn ý định lập gia đình nữa vì đã có những đứa con - những đứa trẻ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Kỳ Anh. Dù không phải do mình sinh ra nhưng đã thương yêu như chính khúc ruột của mình, và cảm nhận rõ niềm hạnh phúc khi nhìn chúng lớn lên từng ngày.

Jackie Wrafter 50 tuổi, người Pháp, là người sáng lập Quỹ Kỳ Anh (Kyanh Foundation) và điều hành hoạt động Trung tâm Kỳ Anh (ở thôn Cổ An 4, xã Ðiện Nam Ðông, huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam).

Mái ấm yêu thương

Con đường nhỏ dẫn vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Kỳ Anh mát rượi, cảnh sắc thôn quê yên bình. Mùi hương lúa mới thơm dịu. Trong âm sắc yên bình ấy, tiếng cười của những đứa trẻ ở đây trở nên vang vọng, dẫn lối chúng tôi đến trung tâm.

Ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Ngoài các phòng học có phòng đặt các máy móc hỗ trợ trị liệu và sân chơi. Người ta gọi đây là ngôi trường đặc biệt quả không sai. Tất cả các em học sinh là những trẻ em khiếm khuyết, đến đây được học, hỗ trợ trị liệu miễn phí. Những bài giảng đặc biệt dành riêng cho từng em. Lúc chúng tôi đến, có em đang mải miết học cách cầm lược chải đầu, cách đánh răng, cách xúc cơm không bị rơi vãi, có em đang chập chững làm quen những bước đi với sự hỗ trợ, vỗ về của cô giáo…

Chị Ðỗ Lê Tố Uyên - quản lý trung tâm cho hay, ở đây, mỗi em là mỗi câu chuyện, mỗi số phận. Một điểm chung nhất là những dạng tật khác nhau đòi hỏi giáo viên phải có những giáo trình riêng và xây dựng liệu trình hỗ trợ phù hợp. Ðội ngũ 37 nhân viên được đào tạo bài bản kỹ năng từ các chuyên gia người nước ngoài nỗ lực cho điều đó. Và tất cả sẽ không thành hiện thực nếu không có tấm lòng và sự nỗ lực đến cùng của người phụ nữ Pháp hết lòng vì các em nhỏ Jackie Wrafter.

“Các em có khiếm khuyết, chịu thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Nhưng không phải vì thế mà cuộc đời các em bỏ đi. Có những điều kỳ diệu xảy ra và bao nhiêu năm nay chúng tôi đã được chứng kiến. Nhiều em đã có thể hòa nhập cuộc sống như những em bé bình thường khác. Và chúng tôi nỗ lực vì điều đó” - Jackie chia sẻ.

 Ðiều kỳ diệu của Jackie Wrafter ảnh 1 Tiết học ngoại khóa của các em học sinh trung tâm Kỳ Anh.

Ðiều kỳ diệu

Giờ ra chơi, thoắt thấy dáng Jackie đi ngang phòng học, cả lớp khoanh tay đồng thanh chào. Cô bé Trần Thị Ngọc Diệp (6 tuổi) nhanh chân chạy lại vòng tay ôm chặt Jackie. Sinh ra đã mắc chứng bệnh tim, nhà nghèo nhưng ba mẹ em vẫn vay nợ khắp nơi để đưa con đi chạy chữa. Thế nhưng niềm hy vọng cứ tắt dần khi cô bé ngày càng gầy ốm, không thể tự đứng, đi và nghe nói được như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Ngọc Diệp đến trung tâm như là cứu cánh cuối cùng.

Phải mất rất lâu để các cô giáo ở đây làm quen được với Diệp, trò chuyện và tập cho em các bài tập vật lý trị liệu. Từng ngày dài cố gắng, và rồi nhìn cô bé chập chững với những bước đầu tiên, Jackie và các nhân viên của mình ôm nhau khóc vì mừng.

Jackie dẫn tôi lại chỗ bé Phan Lê Tự Giang, khoe đây là học sinh tiến bộ vượt trội sau khi đến trung tâm. Giang 6 tuổi, mắc chứng tự kỷ từ bé. Khi gia đình đưa Giang đến đây đó là một em bé còi cọc, vừa khiếm thính và khiếm thị, có biểu hiện cấu xé bản thân, không ai có thể tiếp cận được với em. Bác sĩ phán đoán em mắc chứng tự kỷ, không ai có thể tiếp xúc được với em nhưng thực tế em không thể kết nối được bên ngoài vì các giác quan bị đóng. Ðây là ca khó với tất cả giáo viên ở đây, bởi ngay cả ngôn ngữ ký hiệu cũng không thể sử dụng được để tiếp cận em. Chỉ còn 1 cách là dùng xúc giác để truyền thông điệp giao tiếp. Muốn em làm quen với chiếc ly thì phải đặt tay em vào để em có thể cảm nhận, hình dung góc cạnh, hình hài của vật thể sau đó sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để em nhận diện sự vật. Phải mất ngót 1 năm rưỡi, Giang mới bắt đầu làm quen bằng phương pháp này. Nhưng sau đó cô bé khiến cho cô giáo của mình bất ngờ bởi khả năng tiếp thu rất nhanh, tiến bộ vượt bậc.

Hạnh phúc giản đơn cứ nhân lên từng ngày như vậy…

 Ðiều kỳ diệu của Jackie Wrafter ảnh 2 Jackie vui cùng em nhỏ ở trung tâm.

Giấc mơ chưa trọn

Chính Jakie cũng không lý giải được cơ duyên và sự gắn kết với các em nhỏ đến bây giờ. Mọi thứ không nằm trong kế hoạch, không hề được sắp đặt trước. Trong một lần du lịch ở phố cổ Hội An, ghé thăm Trung tâm trẻ mồ côi Hội An (TP Hội An, Quảng Nam) cô bị mê hoặc bởi những nụ cười trẻ thơ, trong vắt, vô tư dù cuộc sống nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, ở trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi lại có nhiều trẻ em bị khuyết tật phải xa gia đình, cô nghĩ rằng các em cần điều gì đó để có thể hòa nhập, chăm sóc bản thân hơn là phải suốt đời phụ thuộc vào người khác. Ở Việt Nam, dường như một trung tâm như thế là hoàn toàn mới mẻ nên lúc đầu nhiều người còn hoài nghi. Sau đó cô được trường Ðại học RMIT hứa giúp đỡ hỗ trợ xây dựng, UBND huyện Ðiện Bàn cũng đồng ý bố trí mặt bằng cho trung tâm. Năm 2012 trung tâm chính thức được thành lập ở thôn Cổ An 4, Ðiện Nam Ðông. Lúc đầu chỉ có 16 em, 6 nhân viên tại trung tâm chia nhau chăm sóc, hỗ trợ. Sau đó nhiều người biết tới đưa con em của mình đến. Nay có gần 100 em ở trung tâm.

Khi số trẻ tăng lên đồng nghĩa với những khoản chi phí khác cũng đội lên. Việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, tạo kinh phí hoạt động thực sự trở nên khó khăn. Jackie cùng với anh bạn người Scotland là Nick Keegan phải chật vật khắp nơi. “Do đặc thù trung tâm phải mua sắm các thiết bị, máy móc hỗ trợ trị liệu cho các em. Và nhiều người nhìn vào vẻ ngoài khang trang của trung tâm thì nghĩ chúng tôi “giàu” rồi không cần hỗ trợ nữa” - Jacke chia sẻ.

Lần giở lại cuốn sổ ghi tên những em chờ đến lượt can thiệp, điều trị, cô lại nhói lòng. Những trẻ dị tật như thế này việc can thiệp càng sớm các em càng có cơ hội hòa nhập, nhưng cả danh sách dài vẫn còn xếp hàng. “Có tới hàng trăm em đang trong danh sách chờ. Phải từ chối những bà mẹ, ông bố đang cầu cứu mình mà không giúp được gì khiến chúng tôi như mắc lỗi. Nên chúng tôi chọn cách ghi danh sách chờ khi có thể sẽ tiếp nhận các em” - Jackie nói.

Ðang còn rất nhiều dự định dang dở, đó là mở rộng trung tâm để tiếp nhận các em vẫn trong danh sách chờ; tạo việc làm cho các em sau khi hết học ở trung tâm; chia sẻ kinh nghiệm cho những đơn vị khác... Jackie cũng dự định sẽ viết một cuốn sách về cuộc sống ở Việt Nam dưới lăng kính của một người ngoại quốc đã đến, yêu thương và ở lại với Việt Nam.

Hơn 10 năm nay, Jackie sống trong ngôi nhà thuê tại phố cổ Hội An cùng với đứa con nuôi Nguyễn Tô Hoàng Khoa. Khoa bị bại não từ bé, nhà nghèo nên gửi em trong trại mồ côi. 8 tuổi Khoa theo mẹ nuôi về nhà, thoắt đã 10 năm. 17 tuổi vẫn là một cậu bé ngây ngô, tiếng gọi mẹ chưa tròn vành nhưng vẫn khiến Jackie xúc động. Với cô đó là mái ấm đơn sơ đến mê hoặc để cô chọn ở lại.

MỚI - NÓNG