Ma Văn Kháng, con đường, hồi ức...

Ma Văn Kháng, con đường, hồi ức...
TP - Sau những tập tiểu thuyết, truyện ngắn chiếm lĩnh bạn đọc qua nhiều thập kỷ, nhà văn Ma Văn Kháng vừa cho ra mắt cuốn hồi ký về những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương với giọng văn đặc sắc mà bạn đọc từng biết.
Ma Văn Kháng, con đường, hồi ức... ảnh 1

Đọc những bộ tiểu thuyết biên niên dầy dặn như Đồng bạc trắng hoa xòe,

Vùng biên ải, độc giả có cảm tưởng không còn gì ở vùng núi Hoàng Liên Sơn, Tây Bắc, mà nhà văn Ma Văn Kháng không chạm đến. Có thể xem đó như bộ cẩm nang thu gọn về tập tục, cảnh sắc, tâm tính của một vùng núi. Và Ma Văn Kháng là người ghi biên niên sử công phu, cần mẫn.

Ông cũng là người có riêng một vùng đất thật đặc sắc, một giọng văn độc đáo và một tư duy tiểu thuyết bền chắc theo kiểu truyền thống. Một nhà văn như vậy thường được mong đợi sẽ viết hồi ký. Ông hãy kể đi, về việc sau khi miền Bắc được hòa bình năm 1954, ông lên Lao Cai dạy học; rồi làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy; rồi chuyển sang làm báo...

Hai mươi hai năm sau mới chuyển về Hà Nội là quê gốc, ông hãy kể về những năm tháng làm tổng biên tập, phó giám đốc Nhà xuất bản Lao Động, huy động tinh thần, bản lĩnh và năng lực để làm “bà đỡ” cho những tác phẩm của đồng nghiệp.

Những năm tháng làm việc tận tâm và chu đáo ở cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông hãy kể những kỷ niệm với bạn bè, với đồng nghiệp viết văn. Và hãy kể thêm những chi tiết thú vị về lai lịch cái bút danh Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Đoàn), rồi lá thư bất ngờ của một dòng họ Ma ở miền Trung mời ông về nhận họ... 

Thì đây, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, tập hồi ký của Ma Văn Kháng đã hoàn thành(*). Khá đầy đủ trong ấy - một cuộc đời nhiều sự kiện, nhiều nếm trải.

Từ số phận một cá thể, soi chiếu qua lịch sử, người đọc có thể hình dung ra một thời đại. Những trang hồi ký về Tây Bắc thật gợi, khiến người đọc dễ liên tưởng và nhớ lại những trang văn tiểu thuyết biên niên của ông.

Đặc biệt khi ôn lại những kỷ niệm với học trò vùng biên, với đồng nghiệp ngành giáo dục và đồng nghiệp viết văn, với bạn bè... ở Ma Văn Kháng nổi lên một tâm trạng như là “mọi việc đã qua rồi” và hình như ai cũng đẹp cũng tốt, nếu chưa thì cũng có cái lý của người ta.

Ông hối hả liệt kê ra những cái tên tác giả, nhiều và hơi tham như sợ bỏ sót, như sợ bị trách bỏ quên người này người khác. Điều này ông đã một lần làm trong tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ: những cái tên tác giả đương đại được ông cố gắng điểm danh.

Chu đáo mấy cũng sơ suất, sao có thể vừa lòng được tất cả? Nhưng Ma Văn Kháng có cách nghĩ riêng: “Với các đồng nghiệp và bạn bè tôi chỉ muốn dừng lại ở những kỷ niệm tốt đẹp về nhau thôi. Ở đời, ai mà toàn vẹn. Những ấn tượng xấu về nhau xin để nó ở ngoài trang sách và để thời gian phôi pha đi.

Vả chăng con người là một thực thể đa tạp và biến động. Đã biết thế nào mà vội kết luận về nhau. Mỗi người là một hoàn cảnh với những vui buồn, sung sướng đớn đau riêng, nếu không sẻ chia thì cũng phải thể tất”.

Nhưng không phải lúc nào Ma Văn Kháng cũng dĩ hòa vi quý như ấn tượng chung toát ra từ cuốn hồi ký.  Nhu bên ngoài nhưng là thép tôi rừng rực bên trong. Sự phẫn nộ của lý trí cũng có lúc bộc lộ và nhận được chia sẻ.

Người yêu văn ông chắc sẽ bị hút vào chuyện ông kể xung quanh việc ra đời của những cuốn Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Ngày đẹp trời, Heo may gió lộng, Trăng soi sân nhỏ... và sách của những nhà văn đương đại khác.

Mười mấy năm trước, đọc hồi ký Chiều chiều của nhà văn Tô Hoài, tôi có nói ra mong ước có ngày được đọc hồi ký của một số nhà văn lớp trước. Lúc ấy, Ma Văn Kháng bảo: “Viết hồi ký cũng phải có một cái giọng riêng”. Nghe như một lời thoái thác.

Việc viết tiểu thuyết đã quá bận rộn, hoạt động xã hội cũng lấy mất nhiều thời gian, rồi sức khỏe không phải lúc nào cũng đảm bảo để ngồi viết... Nhưng rồi Ma Văn Kháng đã viết được. Cũng chẳng phải tìm giọng, vẫn là cái giọng văn đặc sắc mà người đọc đã quen biết ấy thôi.

Trong hồi ký của Ma Văn Kháng, tôi nhớ câu chuyện ông kể về con đường từ Yên Bái lên Lao Cai năm 1954. Chàng trai mười tám tuổi mới đi học ở Trung Quốc về, tình nguyện lên miền núi dạy học.

Vai đeo ba lô với cây đàn ghita, Ma Văn Kháng cùng một nhóm giáo viên trẻ phải cuốc bộ quãng đường 150 km. Lúc ấy từ Yên Bái lên Lao Cai chưa có đường bộ, chỉ có đường sắt. Năm chàng trai đi bộ qua mấy ngày tết, cứ theo con đường sắt trơ đá ấy mà đi.

Từ một thầy giáo trẻ lên miền núi dần dần đã hun đúc nên một nhà văn hàng đầu trong thế hệ U70-U80 hiện nay. Từ chỗ chưa có đường thì nay con đường đã hình thành. Từ giờ trở đi, mỗi khi lên Sa Pa, đi qua quãng đường ấy, chắc là ta không thể quên câu chuyện này của nhà văn Ma Văn Kháng.

(*) Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà sách Hàn Thuyên, 2009.

MỚI - NÓNG