“Kích” thanh niên nông thôn làm giàu

“Kích” thanh niên nông thôn làm giàu
TP - Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Lễ cho rằng, cần phải kích thanh niên nông thôn làm giàu bằng những chính sách, chương trình cụ thể.

> 'Vua' rắn mối miền Tây
> Đoàn giúp thanh niên nông thôn làm giàu

Cần gãi đúng chỗ ngứa"

Ông đánh giá khát vọng làm giàu của thanh niên nông thôn hiện như thế nào?

Nói thanh niên nông thôn không có khát vọng làm giàu là chưa đúng mà chính xác là họ chưa có động lực. Thanh niên nông thôn hiện có 3 loại suy nghĩ: Một là cố gắng lên thành phố học hành rồi bám trụ tại đó để phát triển bản thân; Hai, rời quê lên thành phố làm thuê; Ba, ở lại nông thôn.

Những người ở lại nông thôn thường tự ti, thụ động, chủ yếu thừa kế sản nghiệp của bố mẹ hơn là lập nghiệp. Họ chấp nhận an phận, không muốn vươn lên.

Thanh niên nông thôn còn thiếu những gì?

 “Tôi muốn chuyển thông điệp đến các bạn thanh niên là ở đâu cũng có thể lập nghiệp và làm giàu. Điều quan trọng là các bạn dám nghĩ dám làm, dám đón nhận những thất bại” 

Trần Hữu Lễ Chuyên gia kinh tế

Họ thiếu kỹ năng và vốn. Việc thiếu vốn cũng một phần do kỹ năng và việc lập kế hoạch kém. Mặc dù ý tưởng của họ có thể thành công 60% - 80%, nhưng khả năng trình bày kế hoạch, khả năng thuyết phục của họ kém nên không thuyết phục được những tổ chức, những nhà đầu tư và vì thế họ không dám đầu tư. Nhiều người có vốn, có kỹ năng, thì không có đầu ra và hầu như họ phải làm gia công cho các công ty khác. Ví dụ ở Sa Đéc (Đồng Tháp), có anh thanh niên chế ra bộ sạc điện trực tiếp cho bình ắc quy, nhưng anh ta không có đầu ra nên phải đi gia công cho một công ty ở TPHCM và công ty này bán sản phẩm của anh ta nhưng mang thương hiệu của họ. Hoặc ở Trà Vinh có CLB làm nghề truyền thống của thanh niên, họ làm các món ăn truyền thống như bánh tét, chả, mắm bần, chả rươi nhưng vì không biết marketing, không có đầu ra, thiếu vốn nên loay hoay trong vòng tỉnh Trà Vinh mà không ra ngoài được.

Trong những lần trò chuyện, thảo luận với thanh niên nông thôn về khát vọng làm giàu, ông thấy thái độ và hành động của họ thế nào?

Khi đó họ rất hào hứng, giống như mình “gãi vào đúng chỗ ngứa” của họ, nhưng sau khi chúng tôi đi rồi thì chừng 3 ngày sau đó họ quên hết. Vì thứ nhất là khó quá, làm sao làm được? Thứ hai, tiền đâu mà làm? Giả sử, thất bại thì sao?... Trong đầu họ cứ xoay vòng luẩn quẩn và sau đó thì họ quên đi và quay trở về với cuộc sống như trước đó.

Gieo khát vọng

Theo ông, tổ chức nào sẽ giúp thanh niên nông thôn trong phát triển kinh tế, làm giàu?

Tôi nghĩ là tổ chức Đoàn thanh niên tại địa phương. Từ trước đến giờ thanh niên nông thôn thường mơ hồ về kế hoạch, quy trình, khát vọng làm giàu. Cho nên, khi Nhà nước hay các hội, Đoàn thanh niên hoặc tổ chức nào đó khơi gợi khát vọng làm giàu thì họ đùng đùng làm theo kiểu phong trào chứ chưa có bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Vì thế, phải mời những chuyên gia hướng dẫn thanh niên về lập kế hoạch, kiểm soát tài chính, marketing…

Trong khi thanh niên chưa có khát vọng, những hỗ trợ của các chuyên gia liệu có đem lại hiệu quả?

Tôi nghĩ không ai trên đời này sinh ra là có sẵn niềm đam mê. Có những người hiểu được niềm đam mê của mình là gì, nhưng cũng có người không thấy được điều đó nên phải “kích” niềm đam mê và làm thay đổi suy nghĩ của họ. Có thay đổi suy nghĩ thì mới thay đổi hành động. Chúng tôi cũng đang cố gắng góp phần làm thay đổi suy nghĩ của họ. Vì họ thiếu kỹ năng, thiếu chuyên môn, nên rất cần những chuyên gia hỗ trợ, tư vấn thanh niên nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Theo ông, đã có những mô hình nào ở địa phương làm tốt vấn đề hỗ trợ thanh niên?

Tốt ở mức độ lâu dài thì chưa thấy. Nhưng tốt ở giai đoạn đầu thì nhiều. Ví dụ CLB thanh niên làm giàu ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) lập nghiệp làm giàu ở những vườn cây ăn trái. Họ thiết kế nguyên một làng du lịch, gọi là du lịch sinh thái, nhưng cuối cùng họ không kéo dài được vì họ không có sự chuẩn bị trước, làm tự phát, làm theo phong trào, họ không kiểm soát được rủi ro. CLB thanh niên nuôi cá ở Vị Thanh (Hậu Giang) nuôi cá lóc và cá thác lác cũng vậy. Họ có kỹ thuật và nuôi thành công nhưng họ không có đầu ra nên rất bấp bênh, bán không được, quay vòng đồng vốn không được nên không thể nào phát
triển lên.

điểm đột phá

Trần Hữu Lễ Chuyên gia kinh tế
Trần Hữu Lễ Chuyên gia kinh tế.
 

Nói như ông, thanh niên nông thôn đang trong vòng luẩn quẩn: Không có khát vọng - không có kỹ năng, kiến thức - thiếu vốn - thiếu đầu ra. Muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn, phải đột phá vào mắt xích nào?

Muốn những thanh niên ở lại nông thôn vươn lên, nhà nước phải có những chính sách làm động lực “kích” họ.

Tôi nghĩ, lấy một phần tiền đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để đào tạo kỹ năng cho họ. Hằng năm, mỗi tỉnh được Nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng đào tạo nghề cho thanh niên, nhưng cuối cùng vẫn thất nghiệp, vì việc đào tạo thực hiện đại trà, không chọn đào tạo theo nhu cầu thực tế từng vùng, từng địa phương. Đằng này, trên áp xuống 10 danh mục dạy nghề thì tỉnh nào cũng áp dụng 10 ngành nghề đó, như sửa chữa ô tô, xe máy… cuối cùng về nông thôn không ứng dụng được.

Hơn nữa, cần chú trọng đào tạo kỹ năng như kỹ năng lập kế hoạch bản thân, đặt mục tiêu cho họ và giúp họ thấy địa phương mình có những thế mạnh kinh tế nào, năng lực tay nghề của họ lâu nay là cái gì, hướng cho họ để họ đầu tư, bên cạnh đó hỗ trợ họ về đầu vào, đầu ra, xây dựng kế hoạch. Nếu làm được như vậy, không chỉ họ giải quyết được việc làm cho chính họ mà giải quyết được một phần đáng kể lao động ở tại chỗ. Ở nông thôn hiện giờ lao động thiếu việc làm rất nhiều, có đến 50- 60% lao động phổ thông thất nghiệp.

Cần phải có nhiều doanh nghiệp tạo ra những sân chơi cho thanh niên nông thôn. Khi có sân chơi kích lên ngọn lửa đam mê của họ thì chắc chắn sẽ có nhiều thanh niên tham gia cuộc chơi, khi đó sẽ có những người nổi trội, từ đó tìm ra hạt giống của thanh niên nông thôn để phát triển nhân rộng điển hình.

Cảm ơn ông.

Đại Dương
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG