Ai tường, ai tỏ?

Ai tường, ai tỏ?
TP - Khi những bài báo có sự dấn thân của phóng viên Tiền Phong trong vai công nhân được xuất bản trong ngày mai, có lẽ những nhân vật anh công nhân X, chị công nhân Y và bao nhiêu người khác chẳng bao giờ biết mình được lên báo.

Bởi lo công ăn việc làm hằng ngày, lo cơm áo gạo tiền, con cái, gia đình nheo nhóc, họ chẳng thể nào có thói quen “xa xỉ” là đọc báo. Nhưng có cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng quay cuồng với dây chuyền sản xuất và những nhà xưởng đầy tiếng ồn và bụi bặm, cùng nhau tát từng gáo nước mưa khỏi căn buồng trọ chật hẹp trong tiếng con khóc mới có thể phần nào thấu hiểu tình cảnh của hàng chục triệu người lao động nghèo.

Cho dù là công nhân một khu công nghiệp nào đó ở tỉnh lẻ, hay công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở những trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Bình Dương, Đồng Nai hay TPHCM, thì công nhân ở đâu cũng tất bật, vất vả. Đó là chưa kể những kịch bản tương tự nhau: khi đi tìm việc thì bị cò lao động chăn dắt, khi có việc thì vẫn đầu tắt mặt tối, lương lậu bèo bọt vài ba triệu đồng. Rồi nhà trọ, rồi xa gia đình, nhiều người xa vợ, xa chồng, xa con.

Có cùng ở những xóm trọ công nhân, mới hiểu một thực tế là nhiều chính sách được thiết kế nhằm hỗ trợ đời sống người lao động nhưng thực chất xa vời không tưởng. Năm nào cũng bàn chuyện tăng lương, bàn tới bàn lui lương chưa thấy tăng đã thấy giá nhà trọ, giá lương thực, thực phẩm và đủ loại dịch vụ đã tăng đón đầu. Chuyện thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng cũng chỉ là vấn đề trên hội thảo, hội nghị, bởi với đồng lương của một gia đình công nhân một vợ một chồng, thêm đứa con thu nhập chưa đến 10 triệu đồng còn phải gánh đủ loại chi phí cho cuộc sống thì không thể đòi hỏi miếng thịt, con cá nào cũng được đóng dấu siêu thị, dấu kiểm dịch. Thầm mong những người dự hội thảo kia chịu đi một vòng qua các khu chợ cho công nhân, sẽ thấy cảnh có những chị, những cô công nhân trẻ chỉ dám tiêu một hai chục ngàn cho một lần đi chợ.

Lại mơ những quan chức trên nhiều bàn hội nghị thường xuyên ghé thăm vài gia đình công nhân, chứng kiến những khốn khó của đời sống gia đình họ, mới hiểu cần những chính sách hỗ trợ gì để thực sự cải thiện cuộc sống cho họ.

Có cùng họ trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, đi làm mà vẫn lo doanh nghiệp có tồn tại lâu dài hay không, có đủ tiền trả lương tháng này hay không chứ chưa nói chuyện đóng đủ bảo hiểm cho mình, mới thấy quy định phải đủ năm đủ tuổi mới được lãnh bảo hiểm là vô lý và vô tâm thế nào.

Chỉ mong những người làm chính sách, hãy tự mình “vi hành” để thấu hiểu đời sống công nhân, để ra những chế độ chính sách thiết thực, cụ thể, sẻ chia và cùng với họ kiến tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và vì con người.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.