An lành mâm cỗ Tết

TP - Càng vào những ngày áp Tết, lướt qua các trang báo in báo mạng, người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Thử điểm qua các thông tin: Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết vừa phát hiện hơn 6.500 đơn vị sản phẩm và 61 tấn các mặt hàng rượu vang Chile, bánh mứt kẹo, trà sâm, nấm linh chi, giò chả, trái cây không rõ nguồn gốc... 

Trước đó mấy ngày lực lượng chức năng cũng phát hiện 750 kg thịt heo bẩn tại hai điểm giết mổ lậu trên địa bàn. Chỉ trong vòng một tuần, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TPHCM đã phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy 18.767kg phụ phẩm trâu, bò; 700kg phụ phẩm heo, 700kg thịt lợn cùng nhiều gia cầm không rõ nguồn gốc; trong đó nhiều lô hàng chứa thịt và phụ phẩm đã bốc mùi hôi thối.

Cũng trong thời điểm này, Trạm thú y quận 9 TPHCM đã bắt giữ lô hàng 165 con lợn sữa bốc mùi hôi thối; Trạm thú y quận 12 cũng phát hiện gần 300kg mỡ lợn bẩn… Rồi, mới đây Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra kho hàng đông lạnh của một thương lái, phát hiện trong kho chứa 340kg mực sấy khô xé rời cùng hơn 18 tấn mực khô nguyên con.

Toàn bộ số hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Loại mực này bỏ vào nước thì không tan, kéo dãn được. Chủ lô hàng này khai nhận, số mực khô này được làm từ bột sắn và cao su…

Mới chỉ điểm trên một vài tờ báo mấy ngày lại đây, thông tin về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã ken dày. Nhiều tờ báo đã dụng công “cận cảnh” “tận thấy” “chụp cắt lớp” (CT), đột nhập vào các lò, các xưởng chế biến để phơi lộ công nghệ chế biến siêu bẩn thực phẩm phục vụ tết như mứt, miến, bánh kẹo siêu rẻ, giò chả, nem, rượu ngoại, tôm, mực bơm tạp chất.

Đọc xong những thông tin này, người tiêu dùng dẫu có thông thái đến đâu cũng đành phải thúc thủ trước ma trận hàng giả, hàng kém phẩm chất “thập diện mai phục”.Thực phẩm bẩn đang là nỗi ám ảnh khắp các bếp ăn, từ công nghiệp - tập thể cho đến từng hàng quán, gia đình. Nhẹ thì đau bụng, nặng thì  ngộ độc, hôn mê nhập viện. Nguy kịch hơn thì tử vong. Nhưng những cái chết từ từ sau đó với những căn bệnh nan y thì chưa có ai thống kê, lượng hóa.

Cứ đến những ngày cận tết, lại những ban này bộ kia, đoàn liên ngành nọ “ra quân” “cao điểm” “chiến dịch” thanh tra, kiểm tra, truy quét, xử phạt, tiêu hủy…Nhưng hình như những động thái tỏ ra rất quyết liệt ấy vẫn chưa đủ để trấn an người tiêu dùng và chưa đủ mạnh, đủ “đô” ngăn cản, chặn đứng những kẻ hám giàu, bất chấp sức khỏe của đồng loại.

Nhìn sang các nước phát triển, người ta quản và xử các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm có vẻ không giống xứ ta. Ngay tại nước láng giềng, vương quốc của hàng giả, hàng nhái, người ta thẳng tay trảm ngay (theo đúng nghĩa đen) các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém phẩm chất cũng như những người được giao trọng trách mà “ngậm miệng ăn tiền”. Những người đang trực tiếp và tiếp tay đầu độc nòi giống, tội ấy, sao có thể dung?

Chăm sóc và bảo vệ bữa ăn cho người dân có rất nhiều bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an… nhưng lâu nay vẫn lửng lơ đó tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Mong một cái tết an lành nên bắt đầu từ bữa ăn đoàn viên.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.