Băn khoăn hậu thi cử

Băn khoăn hậu thi cử
TP - Sau kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức theo kiểu “2 trong 1”, đó đây đã có nhiều lời khen ngợi, ghi nhận, nhất là những người trong ngành. Từ vài kỳ thi gồm tốt nghiệp THPT và hai ba đợt thi ĐH, cao đẳng, nay chỉ còn một kỳ, ít nhất xã hội cũng bớt căng thẳng hơn, bớt phải dịch chuyển trong các kỳ thi hơn.

Tuy nhiên, nếu nói đây là kỳ thi thành công thì còn quá sớm, nếu không muốn nói rằng thi “2 trong 1”đang đặt ra nhiều băn khoăn cần sớm có lời giải.

Nói với một tờ báo, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thi “2 trong 1” không đặt nặng vấn đề thành tích thi đua đối với các địa phương, tính chất cạnh tranh vì mục đích xét tuyển ĐH, CĐ cũng là những yếu tố có thể khiến tiêu cực được đẩy lùi và thi kiểu mới giúp không lặp lại những vụ như Đồi Ngô (Bắc Giang). Tuy nhiên, dù thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bùi Văn Ga có lên tiếng giải thích, biện hộ thì một thực tế khiến nhiều người băn khoăn nằm ở nhận định “đề thi năm nay dễ cho việc xét tốt nghiệp, còn xét đại học rất khó”. Người ta cho rằng, với đề thi năm nay, không thể phân biệt được học sinh khá và trung bình. Học sinh trung bình và khá nhiều khả năng đạt điểm giống nhau, bởi vì có những câu ai nhìn vào cũng thấy đáp án, còn lại là câu quá khó mất rất nhiều thời gian để làm. Có nghĩa là tính phân hóa của đề chưa như kỳ vọng mà mục tiêu hướng đến.

Thêm nữa là những rắc rối liên quan đến chuyện đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Năm nào cũng có thay đổi trong việc xét tuyển và những thay đổi liên tiếp khiến học sinh quay như chong chóng. Ngay cả lãnh đạo bộ cũng tiền hậu bất nhất liên quan đến chuyện đăng ký nguyện vọng, khiến thí sinh và phụ huynh hoang mang, bối rối như lạc vào ma trận.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn chỉ ra một nguy cơ khác. Theo ông, năm nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu kết quả này thiếu tin cậy dẫn đến việc giảm chất lượng đầu vào thì e rằng những năm sau các trường có uy tín sẽ phải xem xét lại việc có nên sử dụng kết quả của kỳ thi hay không.

Và nếu điều đó xảy ra thì coi như kỳ thi “2 trong 1” không thực hiện được mục tiêu. Trong khi đó, quy chế thi, chính sách thi cử không thể mỗi năm mỗi thay đổi. Gần như chắc chắn, năm tới Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ vẫn phải tiếp tục kỳ thi quốc gia. Việc cần làm ngay lúc này là cầu thị lắng nghe ý kiến của xã hội để điều chỉnh những điều chưa được, ngay cả chuyện thời điểm tổ chức thi có cần tham vấn cơ quan dự báo thời tiết hay không?

Về lâu về dài, đổi mới các phương thức thi cử vẫn phải tiếp tục vì theo nhiều chuyên gia, đổi mới như hiện tại vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của đất nước trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.