Bao giờ Tết ấm?

Bao giờ Tết ấm?
TP - Đến hẹn lại lên, câu chuyện giá cả “té nước theo mưa” hoặc cước vận tải rục rịch ăn theo giá xăng lại lặp lại sau mỗi kỳ điều chỉnh giá mạnh, đặc biệt khi sát thời điểm “nhạy cảm” là dịp Tết Nguyên đán.

Lối tư duy làm ăn chộp giật thể hiện rất rõ khi hàng hóa tại các chợ cóc, chợ đầu mối đua nhau tăng giá gần như ngay lập tức có phản ứng với diễn biến của giá xăng dầu. Nhiều loại thực phẩm, rau củ quả, bánh kẹo đường sữa đã được kịp thời điều chỉnh giá dù thực tế đây vẫn là những mặt hàng đã và đang có sẵn tại cửa hàng từ trước đó.

Việc tăng giá hàng hóa dịp sát Tết, dù không nhiều, chỉ một hai nghìn đồng/mớ rau hoặc vài nghìn đồng/hộp sữa, sẽ là gánh nặng không hề nhỏ với túi tiền eo hẹp của cán bộ công chức, của những người thu nhập thấp vốn chỉ trông chờ vào việc giá cả không tăng.

Thực tế cho thấy, việc kiểm soát thị trường cũng như thanh kiểm tra việc tăng giá không nghiêm sẽ là cái cớ để tiểu thương trung gian kiếm chác chênh lệch. Giá tăng, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những người nghèo, người thu nhập thấp. 

Còn với các tiểu thương, các dịch vụ vận tải, nước lên thì thuyền lên. Chi phí đầu vào tăng thì giá đương nhiên sẽ được điều chỉnh tương ứng, chưa kể một số mặt hàng còn được cộng thêm các chi phí ngoài luồng và phần trăm dự phòng tăng giá dịp cuối năm.

Ở góc độ quản lý, việc buông lỏng giám sát diễn biến thị trường sẽ là thời cơ tốt để các mặt hàng thiết yếu ồ ạt tăng giá, kéo theo nhiều hệ lụy: Người dân thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu, làm chững lại sức cầu. 

Thực tế sau nhiều kỳ tăng giá xăng dầu trong nhiều năm qua cho thấy, hầu như mỗi đợt sát tết, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành và các địa phương thực hiện việc kiểm soát thị trường. Chỉ đạo thì rõ ràng nhưng thực tế chất lượng các chỉ đạo đến đâu sau mỗi dịp Tết, mỗi đợt điều chỉnh giá mạnh giá xăng dầu, hầu như không mấy người dân được biết.

Cơ quan chức năng đến nay cũng hầu như chưa công khai danh sách địa điểm, doanh nghiệp tăng giá vô cớ. Cũng không ít ý kiến hồ nghi: Phải chăng cơ quan quản lý bận họp tổng kết, bận nghe báo cáo mà không bám sát được diễn biến thị trường để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.          

Chừng nào cơ quan quản lý làm nghiêm, xử phạt nặng những doanh nghiệp, tiểu thương cố tình "té nước theo mưa", khi đó tình trạng tăng giá vô lý kéo dài nhiều năm nay mới chấm dứt. Và khi đó sẽ là một cái Tết ấm với người dân.

MỚI - NÓNG