'Bão' trên biển, bão trong lòng người

Cha con nghẹn ngào gặp lại nhau sau chuyến biển kinh hoàng.
Cha con nghẹn ngào gặp lại nhau sau chuyến biển kinh hoàng.
TP - Cách đây đúng 10 năm, cũng vào tháng 5, trận bão Chanchu cướp đi sinh mạng 87 ngư dân của xã Bình Minh. Có gia đình cùng lúc mất đi tới 3 người thân.

Tên làng là Bình Tịnh, nhưng rồi sau đó, người dân quen gọi là làng Chanchu để ghi nhớ về một sự kiện đau thương. Hôm qua, làng Chanchu ấy lại như vừa trải qua một “cơn bão” khác cũng đến từ biển khơi nhưng chỉ có điều, cơn bão này xuất phát từ những tâm địa ác độc của “người nước ngoài”, của “tàu lạ”. Khó có thể biện minh với bất cứ lý do gì cho hành động đâm chìm tàu thuyền của ngư dân tay không tấc sắt và để mặc họ kêu gào mong cứu giúp giữa biển khơi mênh mông, giữa biển đêm trập trùng và đen thăm thẳm. Tất cả 34 sinh mạng ngư dân vô tội, những lao động chính của gia đình với ít nhất là hai, ba nhân khẩu “ăn theo” may mắn được bạn chài cứu sau hàng giờ vật lộn với sóng gió, với cái chết cận kề. Giữa trùng khơi, trong đêm tối, sinh mạng con người như ngàn cân treo sợi tóc, những ngư dân gặp nạn không khỏi một phen thất thần, như chết đi sống lại cho dù nhiều người trong số họ từng suýt bỏ mạng không ít lần. Nhưng lần này khác trước ở chỗ đối tượng gây họa cho họ là con người. Và điều khiến ngư dân kinh hãi hơn nữa, là “tri nhân tri diện bất tri tâm”: bão khó đoán, nhưng ít ra còn dự báo được phần nào. Sự hiểm độc của lòng người còn khó lường hơn bão tự nhiên rất nhiều.

Câu chuyện 34 ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị “tàu lạ” đâm chìm diễn ra khi cả nước đang xôn xao về một sự cố môi trường nghiêm trọng, khi hàng loạt vùng biển ven bờ đang xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt mà nguyên nhân còn chưa được cơ quan chức năng phân định rõ ràng. Ngư dân đánh bắt ven bờ phơi lưới, gác thuyền ngao ngán nhìn biển chết, ngư dân đánh bắt xa bờ, người mang cá về phải đổ đi vì không ai dám mua, người đi xa hơn chút thì dính nạn “tàu lạ”. Liên tục những “cơn bão” do con người gây ra mà ngư dân phải gánh chịu.

Nhưng đã là ngư dân thì phải ra biển, dù biển có “động”, bởi biển vừa là tình yêu, vừa là nguồn sống duy nhất của họ. Và hơn nữa, biển của ta thì ta vẫn phải ra khơi. Đánh bắt hải sản, ngoài chuyện sinh kế, còn là một cách sinh động thể hiện chủ quyền. Ngư dân vùng bãi ngang, đánh bắt ven bờ ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã trở lại biển. Trong 34 ngư dân vừa gặp nạn kia, dù vừa trải qua “cơn bão dữ” nhưng chắc chắn một điều là họ sẽ quay lại biển khơi.

MỚI - NÓNG