Bắt Thượng đế làm con tin

Bắt Thượng đế làm con tin
TP - Người tiêu dùng luôn được coi là “thượng đế”, song khái niệm này hoàn toàn ngược lại với hàng chục nghìn hộ dân ở Hà Nội đang sử dụng nguồn nước sông Đà của Vinaconex. Người dân như bị mắc kẹt và trở thành “con tin” mỗi khi đường nước gặp sự cố.

Sau 12 lần đường ống nước sông Đà bị vỡ và không biết sẽ vỡ bao nhiêu lần nữa, sinh hoạt của người dân liên tục bị đảo lộn, thường xuyên phải đối mặt với cảnh mất nước. Trách nhiệm chính đầu tiên thuộc về phía chủ đầu tư và đơn vị này đang bị điều tra về mặt hình sự. Song, dư luận cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền Hà Nội đến đâu?

Việc mua bán nước chỉ là một thỏa thuận dân sự còn trách nhiệm của chính quyền là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Nói về điều này, có đại biểu Quốc hội còn khẳng định, việc này “có trách nhiệm của người lãnh đạo” khi họ chưa làm tốt việc đảm bảo an sinh cho người dân trên địa bàn của mình. 

Và từ những gì đang diễn ra ở đường ống nước giai đoạn một, người ta không khỏi hoài nghi về năng lực của chính Cty Vinaconex trong việc triển khai dự án giai đoạn hai (tuyến số 2). Vinaconex được trao cơ hội sửa sai, vì đơn vị này đã có kinh nghiệm, nhưng qua điều tra mới lộ ra việc đơn vị này thậm chí còn sai từ thiết kế đến quy trình làm vật liệu đường ống.

Để hạn chế rủi ro, lần này TP Hà Nội có vai trò cùng trực tiếp tham gia vào dự án chứ không “khoán trắng” cho doanh nghiệp. Dự án giai đoạn hai sắp được thực hiện. Giả sử trong trường hợp đường ống nước hai vẫn không đảm bảo chất lượng, “thượng đế” tiếp tục bị biến thành “con tin”, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu? Vấn đề này cần phải được làm rõ chứ không phải để đến khi chuyện đã rồi khiến “thượng đế” chẳng còn biết kêu ai (?!).

Để không lặp lại tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nước sạch là một sản phẩm hàng hoá nên nếu dịch vụ không đảm bảo người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền. Trường hợp không đòi được bồi thường thì có thể khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ sở để người tiêu dùng khởi kiện là sản phẩm không đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố. Có như vậy mới mong người tiêu dùng nước sạch ở Hà Nội không còn tiếp tục bị bắt làm “con tin”.

MỚI - NÓNG