Bẫy

Bẫy
TP - Người ta đang bàn tán về một cái bẫy, một thứ “bẫy truyền thông” liên quan đến “đàn ông và lợn” ồn ào suốt cả tuần qua trên khắp các mạng xã hội. Cái bẫy mà một anh một ả giăng ra từ mấy năm trước, không hiểu sao bỗng hot trở lại.

Thời buổi không chỉ báo chí đơn thuần, mà bất kỳ thiết bị điện tử nghe-nói thông minh nào có nút bấm, phím bấm đều có thể bẫy.

Bấm, bấm, bấm… Giăng bẫy và sa bẫy. Những câu chuyện vô bổ tầm phào lan truyền chóng mặt khiến người ta quên đi hiện thực. Có phải thời buổi mọi thứ đều tăng, giá điện, xăng dầu, tai nạn giao thông đến bạo hành, trong khi mạng người lại rẻ rúng… khiến con người ta phải thư giãn (một cách) tiêu cực bằng những câu chuyện hóng hớt chẳng đến đầu đến đũa?

Xã hội đang bối rối trước quá nhiều những ca sản phụ cùng thai nhi chết tức tưởi ngay tại bệnh viện. Quá nhiều bạo lực, những đòn hội đồng mà học sinh giáng xuống đầu nhau trong các lớp học từ bắc chí nam. Quá nhiều những bức xúc, tiêu cực… Nhưng đó có phải thực sự do tần suất cái ác “nhiều” hơn thời gian trước kia, hay là do các phương tiện phục vụ truyền thông và mạng xã hội ngày nay quá dư thừa và hiện đại để có thể tung ra dư luận những câu chuyện như vậy từ bất cứ nơi đâu, lúc nào ?

 Các loại thiết bị điện tử thông minh, siêu chức năng nhưng rẻ tiền ai cũng có thể trang bị đang làm nóng thêm hiện thực xã hội khi liên tục phơi bày những góc khuất, vụ việc không mấy dễ chịu? Một thứ “bẫy truyền thông”? Nhưng dù thế nào, cũng phải thừa nhận mọi giá trị đạo đức xã hội đang xuống cấp và chao đảo dữ dội, chứ không thể đổ hết lỗi cho mạng xã hội và phương tiện máy móc.

Người ta cũng đang bàn tán về một chàng tiến sĩ tin học người Việt vừa lọt vào tốp 100 ứng viên trong cuộc đua tuyển chọn 4 người lên sống ở sao Hỏa vào năm 2025. Đây được coi là chuyến “một đi không trở lại”, không có cơ hội quay lại trái đất. Phải chăng lại thêm một cái “bẫy truyền thông”, bởi không ai bỏ tiền tấn ra một cách vô ích. Nhưng nó cho thấy loài người đang mơ về một hành tinh thanh sạch hơn ngoài trái đất. Không chỉ là những thành phố đáng sống, quốc gia đáng sống nữa, mà về cả một hành tinh đáng sống. Nên cho dù đây là một cái bẫy truyền thông, thì cũng là một thư giãn tích cực.

Bà bộ trưởng Y tế là quan thượng thư đầu tiên dùng facebook để “tiếp” công dân. Mới đây, bà cùng thuộc cấp đã trả lời được hơn một nửa trong số 800 câu hỏi, thắc mắc gửi đến, số còn lại đang tiếp tục xử lý. Bộ trưởng GTVT cũng công khai số điện thoại và thường xuyên tiếp nhận xử lý tin nhắn của dân. “Bẫy truyền thông” có thể nằm trong số ấy. Nhưng đây được coi là những cách phản hồi tích cực hiếm hoi. 

Có lẽ chỉ phản biện tích cực, tỉnh táo và bao dung mới hóa giải được mọi thứ bẫy thời buổi mạng xã hội đi vào bữa ăn giấc ngủ như hiện nay.

MỚI - NÓNG