Biết rồi, nói mãi…

Biết rồi, nói mãi…
TP - Đọc các quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư, có thể nói là rất đầy đủ.

Theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư như sau: có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm của khu dân cư… 

Trong các văn bản chỉ đạo trước đó, cảnh sát PCCC các địa phương cũng khuyến khích các gia đình tự mua sắm, trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy đồng thời bổ sung, trang bị mới cho lực lượng dân phòng một cơ số phương tiện chữa cháy cần thiết như câu liêm, thang, bình chữa cháy xách tay, xô, thùng xách nước… 

Nhưng các vụ cháy thảm khốc vẫn diễn ra và gần đây nhất là vụ cháy gây chết 7 người trong một ngôi nhà ống tại TPHCM mà nguyên nhân cũng không có gì mới: nhà có nhiều vật liệu dễ cháy, không có lối thoát hiểm, lực lượng tại chỗ chữa cháy không hiệu quả… 

Điểm qua nhiều vụ cháy tại các thành phố lớn trong cả nước, điều dễ nhận thấy đầu tiên là ý thức phòng chống cháy nổ của người dân chưa cao. Những phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa mini, bình chữa cháy cho hộ gia đình rất ít khi có mặt tại nhà dân, cho dù giá bán chỉ vài ba trăm ngàn, cho dù người ta có thể bỏ vài tỷ đồng để xây nhà và thêm vài tỷ đồng mua sắm đồ đạc. 

Rất nhiều gia đình khi xây dựng nhà cửa đã không tính đến khả năng thoát hiểm của công trình. Thậm chí để chống trộm cắp, nhiều gia chủ đã cho xây kín mít, còn gia cố bằng hệ thống lưới sắt bịt bùng, khi hỏa hoạn xảy ra, các nạn nhân không có cơ hội thoát hiểm.

Tuy nhiên, dù có đủ loại quy định liên quan đến phòng, chống cháy nổ, nhưng hỏa hoạn thảm khốc vẫn xảy ra và cũng với những nguyên nhân muôn năm cũ đã được cảnh báo, quy định. 

Tuy nhiên, vì sao người dân không nắm được các kỹ năng cơ bản của việc phòng, chữa cháy? Liệu công tác tuyên truyền đang dừng lại ở tính hô hào hình thức, giấy tờ? 

Trong nhiều vụ cháy liên quan đến các khu dân cư cũ, mặc dù khi hình thành chưa chú ý nhiều đến việc thiết kế phù hợp với việc phòng hỏa hoạn (nhà ống, nhà bịt bùng, thiếu lối thoát hiểm…), nhưng nếu các kỹ năng thoát hiểm tối thiểu được vận dụng, chắc chắn sẽ giảm thiểu các thiệt hại về người và của.

Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định “có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư xây dựng mới”. Đây là yêu cầu rất quan trọng và mới bởi xưa nay khi phê duyệt phương án thiết kế nhà dân dụng, người ta thường không để ý đến yếu tố này. Nhưng quy định là một chuyện, giám sát nó để nó phát huy hiệu quả trong đời sống hằng ngày lại là chuyện dài, nói mãi… 

MỚI - NÓNG