Bộ mặt và y đức

Bộ mặt và y đức
TP - Liên tiếp hai hội nghị được tổ chức ở đầu Hà Nội và đầu TPHCM về chủ đề “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Bà Bộ trưởng Y tế đã nói rất chính xác rằng “bệnh nhân là trung tâm vì nếu không có bệnh nhân, thì thầy thuốc chả để làm gì. Muốn người ta yêu mình, phải yêu lấy họ trước”. Lời của vị đứng đầu Bộ Y tế có lẽ cũng đã thừa nhận quan hệ của bệnh nhân-bác sỹ giờ đây giống quan hệ giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ nhiều hơn. Ngay cả khi người bệnh đến bệnh viện công, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thì bác sỹ cũng không thể coi việc khám chữa bệnh là cái gì đó giống như ban ơn, giống như xin-cho. Bởi trang thiết bị, cơ sở vật chất, lương trả cho bác sỹ, thậm chí trong nhiều trường hợp là cả chi phí đào tạo, bổ túc nghề nghiệp… đều đến từ ngân sách, tức là từ tiền thuế của người dân. Và điều này đương nhiên đúng nếu chiếu theo câu “lương y như từ mẫu” mà bệnh viện nào cũng thấy đưa lên các loại bảng hiệu, hội nghị nào về y đức của ngành y cũng nêu.

Muốn “lấy lại bộ mặt của ngành y” theo Bộ trưởng Y tế, chính phải bắt đầu từ các bệnh viện, nơi người dân trực tiếp tiếp xúc với nhân viên y tế. Để ngành y không bị “mất mặt” thì bệnh viện phải luôn làm người dân hài lòng.

Chính vì thế, dù có tới hai hội nghị, dù đã có những phát biểu khá mạnh mẽ, có những cam kết từ cả đại diện một số bệnh viện lẫn lãnh đạo ngành y về chuyện cải thiện thái độ phục vụ thì vẫn chưa có dấu hiệu nào để người dân có thể tin chắc về một sự đổi mới thực sự.

Chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, việc một số bệnh viện ký cam kết thay đổi cung cách, thái độ phục vụ chỉ là việc làm mang tính hình thức, nếu mỗi bệnh viện, mỗi cá nhân không cam kết bằng chính trách nhiệm lương tâm của mình. Và nếu như vậy, chỉ thay đổi “bộ mặt” nhưng bản chất không thay đổi thì mọi cam kết hay tuyên bố cũng chỉ là lời nói gió bay.

Trong khi ở nhiều bệnh viện công, bác sỹ khám chữa bệnh như ban ơn, nhân viên y tế giao thiệp với người dân “mặt lạnh như tiền, nhất là mấy cô thu ngân”, còn bệnh viện tư thì chỉ chăm chăm gia tăng lợi nhuận, đặt yếu tố thương mại lên hàng đầu thì vài lời kêu gọi, vài bản cam kết không cải thiện được tình hình. Ở góc độ quản lý nhà nước, đây là trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc xây dựng, tham mưu hệ thống văn bản pháp quy, đề xuất các hình thức giám sát và chế tài. Đã đến lúc phải coi y đức không chỉ được đảm bảo bằng những khẩu hiệu, mà cần được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật.

MỚI - NÓNG