Bôi trơn

Bôi trơn
TP - Những phát biểu, tranh luận ngày 9/9 của các ĐBQH chuyên trách góp ý cho Dự thảo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi, một lần nữa cho thấy việc sửa đổi toàn diện, triệt để hai bộ luật này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của đất nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có cải cách được không, giải phóng sức sản xuất được không, đất nước có cạnh tranh được không đều phụ thuộc vào việc sửa đổi hai luật này.

Từ 51 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh nay trong Dự thảo Luật đầu tư chỉ còn 11, từ việc chỉ cho phép kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký nay bỏ quy định phải đăng ký ngành nghề kinh doanh trong Dự thảo Luật doanh nghiệp, đã cho thấy sự tiến bộ lớn của luật sửa đổi lần này. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm. 

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, với kinh nghiệm chục năm làm bộ trưởng của mình tiếp tục đề nghị phải đưa trực tiếp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào luật để đảm bảo tính minh bạch, thay vì chỉ quy định nguyên tắc như Dự thảo. 

“Bây giờ đang dựa vào mấy chục cái cấm, mấy trăm cái có điều kiện để mà làm ăn. Tôi nói từ làm ăn là đã cân nhắc, suy nghĩ kỹ rồi đấy” - ông Hùng nói. 

Báo Tuổi trẻ trích dẫn ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng: “Nếu không có bôi trơn của người dân và doanh nghiệp thì làm sao những cán bộ, công chức có thẩm quyền ban phát lại có đời sống khác xa với những cán bộ, công chức bình thường khác. Luật phải giảm thiểu tới mức thấp nhất cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính”.

Đúng vậy, chừng nào luật thiết kế ra còn có kẽ hở để cán bộ có quyền “ban phát” cho người dân, để doanh nghiệp có “cửa” chạy chọt chỗ này chỗ khác, chừng đó chất xúc tác “bôi trơn” còn có đất sống, tiêu cực, tham nhũng còn hoành hành trong bộ máy công quyền. Tuy nhiên một khi luật đã được thiết kế tốt nhưng những người thực thi luật pháp lại không nghiêm, không đủ năng lực phẩm chất, ắt vẫn xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT về cải cách thủ tục hành chính sáng 10/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Thực tế nhiều lúc, nhiều nơi không phải do thủ tục mà là do con người. Tôi yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Như vậy, luật pháp tốt và cán bộ tốt mới là điều cần và đủ để một nền hành chính phục vụ dân vận hành trôi chảy, để không còn khái niệm “bôi trơn” bộ máy đã và đang tồn tại bấy lâu nay trong xã hội. Khi nào trong tâm thức của người dân không còn tồn tại hai từ “bôi trơn” mỗi khi đến chốn công quyền, khi đó mới có một nền hành chính phục vụ đích thực.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.