Cần nhất là trung thực

Cần nhất là trung thực
TP - Cuối tuần qua, phát biểu tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói : “Vấn đề chuyên môn khó, là phần việc các thầy cô lo, người dân chỉ mong rõ ràng. 

Phương án thi cần được công bố trước ngày khai giảng, thời gian cũng không còn nhiều. Thi gì không quan trọng bằng đảm bảo trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê”. Trước đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong đó có GS Ngô Bảo Châu đều cho rằng, quan trọng nhất trong thi cử phải là sự công bằng và trung thực.

Việc chọn phương án nào trong 3 phương án mà Bộ GD&ĐT vừa công bố hẳn nhiên là quan trọng, chí ít cũng đối với những thí sinh của mùa thi 2015 đang cận kề. Song rõ ràng điều quan trọng nhất không nằm ở việc chọn phương án nào mà nằm ở vấn đề nan giải bấy lâu nay của kỳ thi tốt nghiệp THPT: Sự trung thực và công bằng!

Tại Hội nghị nêu trên, nhiều lãnh đạo các ĐH lớn đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về độ tin cậy ở kỳ thi quốc gia chung này một khi được tổ chức thi tại các địa phương. Do đó, nhiều trường dự định sẽ tuyển sinh riêng ngay trong năm 2015 tới.

Tương đồng với quan điểm của GS Ngô Bảo Châu, nhiều lãnh đạo ĐH phía Bắc cũng đề xuất nên giữ lại kỳ thi đại học và bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Duy Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh cho biết, có thí sinh từng đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng thi vào trường An ninh chỉ được có 9 điểm.

Như vậy, sự mất niềm tin chính là một trở ngại không hề nhỏ trong tiến trình cải cách thi cử hiện nay. Bệnh thành tích, sự thiếu trung thực đã lây lan sang cả các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm nào báo chí cũng đưa tin, nhiều trường đại học có hàng trăm, hàng ngàn điểm 0 ở hầu khắp các môn thi.

Lạ là, cũng chính các thí sinh này cách đó chỉ hơn tháng vừa đỗ tốt nghiệp thậm chí điểm cao, trong khi hiện nay khoảng cách giữa đề thi đại học và tốt nghiệp THPT không chênh nhau nhiều, vẫn chủ yếu là kiến thức cơ bản. Con số thống kê so sánh điểm của chính các thí sinh ở hai kỳ thi rất gần nhau này hẳn sẽ nói lên nhiều điều, tiếc rằng chưa thấy cơ quan nào làm.

Đáng buồn hơn, sự thiếu trung thực trong thi cử diễn ra ở mọi cấp độ. Từ bậc phổ thông, đại học, thạc sĩ cho tới cả tiến sĩ và thi tuyển công chức. Vụ nộp tiền “chống trượt” bạc tỷ thi đầu vào cao học ở Thanh Hóa vừa qua là một ví dụ. Liệu còn bao nhiêu vụ “chống trượt” khác chưa bị phát giác, bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ rởm đã được “ra lò” từ công nghệ “chống trượt” kiểu này?

Thế nên, vấn đề giáo dục của Việt Nam trước hết có lẽ nằm ở sự trung thực, sự học thật và thi thật. Gót chân Asin nằm ở chỗ này, nếu không giải quyết được, e rằng mọi nỗ lực sẽ là vô ích.

MỚI - NÓNG