Cạnh tranh sòng phẳng

TP - Thực tế ở TPHCM và nhiều thành phố lớn cho thấy, kể từ khi có bệnh viện tư nhân, hoạt động khám chữa bệnh nói chung tốt hơn hẳn. Sự cạnh tranh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư dẫn đến một hệ quả tốt:

Người bệnh được phục vụ tốt hơn. Tại TPHCM, vào bệnh viện ở thời điểm này, có thể cảm nhận câu nói “khách hàng là thượng đế”, cho dù lẽ ra hay đúng ra khách hàng phải là thượng đế từ lâu rồi mới phải.

10 năm qua, kể từ khi xuất hiện khối khám chữa bệnh tư nhân, cho dù khởi đầu gian nan, một không khí mới, tư duy mới trong giới cung cấp dịch vụ y tế đã có nhiều chuyển biến có lợi cho người bệnh, người dùng dịch vụ. 

Nói cho đúng, dù là dịch vụ đặc biệt liên quan đến sức khỏe con người thì hoạt động khám, chữa bệnh về bản chất là một loại hình dịch vụ. Mà đã là dịch vụ thì phải có người bán, người mua và mỗi bên đều có quyền và  nghĩa vụ riêng.

Và khi thị trường dịch vụ y tế có sự cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng, rốt cuộc người dùng dịch vụ được hưởng lợi còn thị trường cũng vì cạnh tranh mà ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp.

Tuy vậy, trong 10 năm qua, bệnh viện tư nhân vì nhiều lý do vẫn chưa thực sự trở thành một lực lượng mạnh, đủ sức cạnh tranh (và thay thế) khối bệnh viện công và tình trạng quá tải ở các bệnh viện công cho dù xã hội bức xúc nhiều vẫn tiếp tục diễn ra. 

Nhiều lãnh đạo bệnh viện tư nhân cho rằng sự chậm phát triển của khối y tế tư nhân ngoài nhiều lý do khách quan còn có lý do bắt nguồn từ chính sách. 

Dường như vẫn còn đó tư tưởng xin- cho, vẫn còn đó những rào cản bắt nguồn từ tư duy cục bộ, tư duy lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng các văn bản pháp luật, hành lang để y tế tư nhân nói chung và hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia phát triển. 

Nhưng sự cạnh tranh giữa y tế công và y tế tư nhân một lần nữa chứng minh điều đã được khẳng định nhiều lần, trong nhiều lĩnh vực: cái gì tư nhân làm tốt thì nhà nước, cơ quan quản lý không nên nắm giữ. 

Bộ Y tế chỉ nên tập trung vào công tác quản lý ngành, công tác xây  dựng chính sách và những lĩnh vực thuộc chiến lược quốc gia… “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là vừa xây dựng chính sách, vừa trực tiếp điều hành hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử  giữa y tế công và y tế tư nhân.

Thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì thế cũng phát triển lệch lạc, méo mó. Bài học đó, những nước phát triển đã từng qua và trả giá. Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cần lắm một cách nhìn, tầm nhìn để có những chính sách phù hợp.

MỚI - NÓNG