Cắt khúc Hồng Hà

Cắt khúc Hồng Hà
TP - Có lẽ đây là lần thứ ba, ý đồ táo bạo cải tạo sông Hồng lại gây chú ý tức thì của dư luận và lần này có vẻ dâng trào hơn cả.

Lần đầu, ông Nguyễn Cảnh kiến nghị “Phương sách trị thủy” trên Tạp chí Nam Phong số 133 năm 1928. Hồi ấy thực ra còn có giả thiết của kỹ sư Normandin, Pháp, về phương án trồng rừng để hạn chế lũ lụt triền miên. Hiềm nỗi, phần lớn lưu vực Hồng Hà ở bên Vân Nam, Trung Quốc. Chả nhẽ sang đó trồng rừng?

Lần hai là mơ ước đô thị ven sông Hồng được giới thiệu năm 2007. Dự án trị giá 7 tỷ USD chỉ tác động 40 km đoạn qua Hà Nội. Vậy mà một dự án vừa giới thiệu cách đây một tuần lại xơi cả toàn bộ sông Hồng dù tổng vốn dự kiến ít hơn nhiều, chỉ 1,1 tỷ USD.

Đây là điều hầu như chưa từng có trên thế giới khi một con sông nuôi sống một trong hai vựa lúa to nhất nước được một doanh nghiệp tư nhân đề nghị giao quản vĩnh viễn theo mô hình BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Bỏ qua chuyện doanh nghiệp có vốn sở hữu chưa bằng 1/20 tổng vốn mà họ dự kiến đầu tư, chỉ riêng những gì nêu trong cái gọi là ý tưởng cũng gây kinh ngạc. Hơn 24.000 tỷ đồng mà chỉ để làm sáu đập thủy điện tổng công suất 288 MW là điều chưa từng có. Bởi thế hầu như ai cũng hiểu thủy điện không phải là mục tiêu chính.

Dù thế, chỉ riêng phương án thủy điện cũng gây cảm xúc khó tả. Khoảng 288 km dòng sông sinh thái - tâm linh sẽ bị chặt làm bảy khúc bởi sáu con đập. Nếu bảo mỗi đập ấy sẽ là một âu thuyền giúp tàu bè vượt cạn dễ dàng thì hãy xem một cái âu thuyền trên thủy điện Thác Bà hoạt động như thế nào hơn 50 năm qua. Thủy điện trên sông Đà và sông Lô-Gâm đã nuốt quá nhiều phù sa đổ về sông Hồng. Nguồn duy nhất còn lại ở nhánh sông Thao với trữ lượng 100 triệu m3/năm có nguy cơ bị chặn nốt bởi sáu đập dâng kia. Lấy đâu dinh dưỡng tự nhiên cho ít nhất sáu tỉnh hạ lưu Hồng Hà?

 Đấy là chưa kể các đập đó không những khiến một lượng lớn cư dân phải di chuyển; chưa kể chúng có thể là bom nổ chậm khi thềm lục địa dọc theo sông Hồng thuộc loại non trẻ tính theo tuổi địa chất và vẫn tiếp tục biến động. Làm thủy điện, các đập trọng lực ấy sẽ nằm trên nền đất yếu do hầu như không có đá gốc, theo TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập.

Đứt gãy địa chất mang tên sông Hồng trên mảng kiến tạo Đông Dương cùng hai dãy núi song song thuộc hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc đất nước đã tạo nên một cặp long mạch sơn thuỷ hiếm có không chỉ ở dải đất hình chữ S. Chẳng phải ngẫu nhiên hơn nghìn năm trước Vua Lý Thái Tổ chọn Thành Đại La ven Hồng Hà, nơi sơn thủy hội tụ, để định đô. Chẳng phải ngẫu nhiên Vua An Dương Vương chọn Cổ Loa cũng ngay sát Hồng Hà làm kinh đô. Rồi năm 939, sau khi đánh thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền lại về nơi ấy dựng nghiệp. Rồi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, rồi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, họ thảy đều lui giặc ngoại xâm cũng trên sông này.

Không chỉ Xuân Thiện, những ai liên quan đến phê duyệt dự án kỳ lạ này, có lẽ không nên quên “Thiện căn ở tại lòng ta”.

MỚI - NÓNG