Cát ở đáy sông

TP - Nạn cát tặc, bảo kê, núp bóng cải tạo luồng lạch nhức nhối bấy lâu nay, ai cũng biết. Nhưng táo tợn đến mức đe dọa cả hệ thống chính quyền cả một tỉnh như Bắc Ninh, từ chủ tịch tỉnh trở xuống, khiến tỉnh này phải gửi công văn “kêu cứu” Thủ tướng thì ít ai tưởng tượng nổi.

Đáng chú ý, trong công văn gửi Thủ tướng và một loạt bộ ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: “Chỉ đạo Bộ Công an và cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”. 

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, việc đe dọa có liên quan tới việc tỉnh này kiên quyết dừng dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa trên sông Cầu kết hợp tận thu cát sỏi.

Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang phát triển nóng, nhu cầu cát xây dựng rất lớn, thế nhưng nguồn cung cấp cát lại rất không chính thức, một khối lượng cát không nhỏ đến từ các dự án xã hội hóa nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu. Một nghịch lý, thứ vật liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp xây dựng khổng lồ lại được khai thác một cách không chính thức dưới dạng “kết hợp tận thu”, một việc phụ ẩn dưới một nhiệm vụ chính mang tên “nạo vét luồng lạch”. 

Hậu quả là những bờ sông nham nhở vì sạt lở, những triền đê có nguy cơ sụp đổ do khai thác cát quá mức. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn đề này, bởi có khi nạo vét thì ít mà hút cát thì nhiều, chính - phụ lẫn lộn không biết đâu mà lần.

Giao thông đường thủy đương nhiên là rất quan trọng với một nơi nhiều sông ngòi chằng chịt như ở ta. Do vậy, nạo vét luồng lạch phải là một công việc bài bản và chính thống, được bố trí ngân sách rõ ràng, chứ không thể khoác áo “xã hội hóa” như hiện nay. 

Bởi trên thực tế, cái giá phải trả cho việc “xã hội hóa” không hề rẻ. Liệu đã có dự án xã hội hóa nạo vét nào mà Cục Đường thủy cân đong đo đếm kỹ càng được lượng cát khai thác lên là bao nhiêu, bùn đất múc lên chuyên chở đi là bao nhiêu, luồng lạch được khai thông thế nào? 

Đã đến lúc tất cả điều này phải được công khai, minh bạch trước công luận. Đã đến lúc cần tách biệt nạo vét luồng lạch với “tận thu” cát. Về nguyên tắc cát chính là tài nguyên, là công thổ quốc gia, rất cần được quản lý chặt chẽ bởi Bộ TNMT. Còn nạo vét luồng lạch, giao thông thủy thuộc trách nhiệm bộ GTVT.

Theo ước tính, thị trường cát xây dựng trên thế giới có trị giá lên tới 70 tỷ đô la. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng chắc chắn thị trường này cũng không hề nhỏ.  Ở đâu có sông là ở đó có cát, múc lên là có tiền, nếu quản lý lỏng lẻo tất yếu có tiêu cực, có bảo kê và cát tặc lộng hành.

Cát ở đáy sông, nhưng lại đang tạo ra những “cơn sóng ngầm” dữ dội ở trên bờ…

MỚI - NÓNG