Chẩn bệnh

Chẩn bệnh
TP - Tăng trưởng nhanh, phục hồi cũng nhanh nhưng phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất một cách bền vững lại là câu chuyện dài đối với Việt Nam… Đây là những nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế về việc phát triển dài hạn nền kinh tế Việt Nam.

Những số liệu phát triển kinh tế Việt được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố ngày 20/7 một lần nữa cho thấy trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam khá ổn nhưng những “lỗ hổng” về dài hạn sẽ là những tác nhân khiến nền kinh tế khó cất cánh nhanh. Điều đặc biệt, những điểm yếu này của kinh tế Việt Nam không phải là phát hiện mới.

Như “câu chuyện nhỏ” nhưng vô cùng hệ trọng với nền kinh tế trong trung hạn một lần nữa được chuyên gia WB đào xới khá kỹ: Nếu không có bước cải tổ mạnh mẽ, việc tụt hậu, suy giảm là điều có thể nhìn thấy. Minh chứng trong lĩnh vực xuất khẩu, vốn đang tụt dốc mạnh so với nhập khẩu trong các tháng đầu năm, chính là khoảng trống tham gia của các doanh nghiệp khối tư nhân trong chuỗi sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp FDI. Mặt trái của nợ nước ngoài, gánh nặng trả lãi vay cũng được các chuyên gia chỉ rõ. Dù đã dành ngân sách khá lớn cho việc trả nợ nhưng việc thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ khiến vòng xoay trả nợ của Việt Nam gặp nhiều sức ép. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác. Ngoài ra, nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ DNNN và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công.

Ngay như việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, dù có những nhận xét khá tích cực nhưng ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cũng phải lưu ý các cơ quan quản lý về việc  tiến trình xử lý nợ xấu có vẻ đang chậm lại do thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu. Đặc biệt, việc VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu.

Với những nút thắt của nền kinh tế, nếu biết cởi theo đánh giá của WB, Việt Nam sẽ trở thành một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 6,2%, thay vì dừng lại ở ngưỡng 6% như dự báo trước đó. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị kịch bản lạc quan chỉ xảy ra trong trường hợp Việt Nam khôi phục được tăng trưởng xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố hệ thống tài khóa và cải cách cơ cấu cũng như xử lý hiệu quả hoạt động của khối DNNN. Còn nếu không, chiếc bẫy thu nhập trung bình sẽ khiến kinh tế Việt Nam mãi mắc kẹt.

MỚI - NÓNG