Chẩn bệnh, bốc thuốc

Chẩn bệnh, bốc thuốc
TP - Câu chuyện lao động Việt Nam bỏ trốn trong khi đang thực hiện hợp đồng lao động ở một số nước đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần và nay lại rộ lên ở Đài Loan, Hàn Quốc… Nguyên nhân cũng vẫn là những nguyên nhân cũ:

Người dân phải qua nhiều tầng  nấc trung gian mới được đi xuất khẩu lao động, chi phí ban đầu bị đội lên dẫn đến nợ nần nhiều, bị lừa đảo, phía nhận lao động không như quảng cáo. Một số người lao động ham mức lương cao hơn dẫn đến tự ý phá bỏ hợp đồng, sống và lao động bất hợp pháp nơi xứ người…

Nhưng, xét từng nguyên nhân, có thể thấy nguyên nhân sâu xa không đến từ người lao động, hay nói cách khác, rất nhiều người đã buộc phải phá bỏ hợp đồng để có cơ hội kiếm tiền trả nợ. Dù đã được nói đến rất nhiều, nhưng tình trạng lừa đảo người lao động vẫn cứ diễn ra, và chuyện có quá nhiều loại “cò”, nhiều tầng nấc trung gian và lãnh đủ không còn là điều mới mẻ. 

Việc xử phạt doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, công tác thông tin, truyền thông là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm, “đem con bỏ chợ”, khi người lao động vì thiếu thông tin về các doanh nghiệp uy tín đã bị lừa đảo bởi kẻ xấu tức là trách nhiệm quản lý của ngành lao động chưa được làm tròn. 

Việc các doanh nghiệp đối tác lợi dụng vị thế nước tiếp nhận lao động để làm ẩu, để ép lao động Việt Nam cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý lao động của chúng ta.

Chính vì thế, việc xử phạt lao động bỏ trốn, tự ý phá bỏ hợp đồng là cần thiết, nhưng không nên xem là biện pháp chủ chốt bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy gánh nặng chi phí là nguyên nhân chính khiến lao động nước ta bỏ trốn. 

Mạnh tay với các doanh nghiệp làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm, cải thiện công tác truyền thông, tư vấn để người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin đúng, chính xác và loại bỏ các tầng nấc trung gian không cần thiết, xử lý triệt để những tồn tại trong quan hệ giữa thị trường lao động nước ta và nước tiếp nhận lao động mới là những điều cần thiết và cấp bách. 

Xuất khẩu lao động là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế 90 triệu dân như nước ta, vốn đang chịu nhiều sức ép từ quá trình đô thị hóa, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Do vậy, giữ vững được các thị trường đang có và phát triển thêm thị trường mới cho lao động Việt Nam để họ thực sự chuyên nghiệp và tự tin hội nhập sâu vào khu vực và toàn cầu, rất cần những giải pháp đồng bộ, căn cơ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.