“Chân đất” & “chân giầy”

“Chân đất” & “chân giầy”
TP - Chuyện về những bác nông dân “hai lúa” từ Nam chí Bắc, trình độ có khi còn chưa tốt nghiệp phổ thông, đã tự mày mò chế tạo thành công các loại máy công cụ nông nghiệp phục vụ cho chính công việc của họ không hiếm.

Thậm chí có bác “hai lúa” còn cả gan chế tạo máy bay trực thăng, có bác còn được mời sang tận Campuchia phục chế xe bọc thép cho nước bạn. Họ chính là những nhà nhà khoa học “chân đất” có niềm say mê và tinh thần sáng tạo khoa học công nghệ rất cao. Đầu tuần này, nhân Ngày khoa học công nghệ quốc gia 18/5, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân gặp mặt trực tiếp 63 nhà khoa học “chân đất” tiêu biểu trên toàn quốc.

Điều đáng nói, trong quá trình nghiên cứu, chế tạo, các nhà khoa học “chân đất” đều “đơn thương, độc mã”. Hầu hết họ đều không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan quản lý nhà nhà nước về khoa học, từ các loại quỹ ở địa phương lẫn trung ương, trong đó có Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Có nhiều lý do, nhưng điều quan trọng nhất là mục đích  của các nhà khoa học “chân đất” là sáng tạo ra máy móc phục vụ cho chính họ và người dân quanh vùng từ nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Trong khi đó, dường như không ít nhà khoa học chuyên nghiệp, có học hàm học vị hẳn hoi ở ta lại viết đề tài, đề án nghiên cứu chỉ với mục tiêu xin tiền ngân sách là chính, ít có công trình mang tính ứng dụng thực tiễn. Tình trạng đề tài khoa học nghiệm thu, quyết toán xong rồi lại đút vào ngăn kéo “vĩnh viễn” không hiếm.

Phải chăng một thực trạng có thật đang tồn tại là: Đội ngũ các nhà khoa học “chân đất” (không chuyên) và “chân giầy” (chuyên) đang đi trên hai con đường thẳng song song, không bao giờ gặp nhau? Bởi mục tiêu của họ khác nhau hoàn toàn - một đằng để giải bài toán từ nhu cầu thực tế của sản xuất và cuộc sống; còn một đằng làm chỉ để được duyệt ngân sách với các ý tưởng xa rời cuộc sống, xuất phát từ trong phòng máy lạnh.

Để nền khoa học và công nghệ nước nhà phát triển, để các sản phẩm “made in Việt Nam” ngày càng chứa nhiều hàm lượng chất xám, ngày càng mỏng về kích cỡ và nhẹ về khối lượng nhưng nặng về giá trị, chắc chắn không có cách nào khác là các nhà khoa học “chân đất” và “chân giầy” phải gặp nhau. Hay nói cách khác, các đề tài nghiên cứu khoa học dùng tiền thuế của dân phải thiết thực, bớt viển vông đi. Hãy dùng tiền ngân sách bắt đầu từ chính nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, tức từ chính các nhà khoa học “chân đất”.

MỚI - NÓNG