Chiến thuật và chiến lược

TP - Là người từng sống ở cả hai thành phố Hà Nội và TPHCM, tôi có dịp so sánh giao thông của hai đô thị lớn nhất nước. Bức tranh giao thông của cả hai thành phố đều mang màu xám, nghĩa là Hà Nội tắc đường nhiều nơi, nhiều thời điểm và TPHCM kẹt xe (từ quen dùng của người dân phía Nam) cũng rất trầm trọng.

Tuy  nhiên, có thể nói chuyện tắc đường ở thủ đô chủ yếu mang tính “chiến thuật”: có tắc, tắc nhiều điểm, nhưng chủ yếu là phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô riêng. 

Hà Nội cũng xảy ra tình trạng hạ tầng giao thông “chạy” chậm hơn so với tốc độ phát triển đô thị và thành phố đang tìm mọi cách để giải quyết tình trạng này bằng cách đề ra các biện pháp và lộ trình hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống vận tải công cộng. 

Riêng về các cửa ngõ, trong mấy năm gần đây, với việc hoàn thành một loạt cầu và đường mới kết hợp phương pháp giao thông đồng mức và khác mức, tình trạng tắc đường đã được hạn chế đáng kể. Nhiều con đường mới đã giúp bức tranh giao thông ở các cửa ngõ thủ đô tươi sáng dần. 

Tình trạng tắc đường “chiến thuật” trong nội đô cũng dễ chịu và dễ xử lý hơn khi các khu công nghiệp dần được chuyển ra ngoại ô, các cây cầu, con đường mới dẫn đến những điểm quan trọng như cảng hay sân bay đã giải quyết cơ bản sự quá tải của hạ tầng giao thông. Dù tắc đường còn phổ biến nhưng ít ra tại Hà Nội, tình trạng kẹt cứng hiếm khi xảy ra.

Nhưng câu chuyện của TPHCM thì khác. Có thể nói, nạn kẹt xe ở thành phố đông dân, kinh tế phát triển năng động nhất nước diễn ra nghiêm trọng hơn, mang tính “chiến lược” hơn và dĩ nhiên là thiệt hại do yếu kém về giao thông cũng lớn hơn rất nhiều.

 TPHCM được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở quy mô hàng đầu cả nước và không có tỉnh thành nào nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông như tại TPHCM. Tuy nhiên, vấn nạn kẹt xe của thành phố này, với những thực tế đang diễn ra như hiện nay, thực sự không dễ giải quyết. 

Nhưng chính quyền thành phố không thể đổ lỗi cho “lịch sử” như Hà Nội bởi họ đã có xuất phát điểm tốt hơn và rất nhiều khu đô thị, khu công nghiệp ở đây được phát triển sau này, khi đất nước đã thống nhất. 

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các khu đô thị, khu công nghiệp nhưng thiếu đồng bộ với tốc độ tăng trưởng hạ tầng giao thông đã và đang để lại hậu quả nặng nề. 

Các cửa ngõ TPHCM hiện nay đều kẹt cứng với đủ loại phương tiện, trong đó có cả phương tiện vận tải cỡ lớn phục vụ hoạt động của một loạt khu công nghiệp, bến cảng, sân bay, kéo theo đó là sự ảnh hưởng tiêu cực đến sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ của trung tâm trọng điểm kinh tế phía Nam. 

Đô thị quá tải, sự tập trung của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều loại hình sản xuất kinh doanh khác trong nội thành khiến tình hình giao thông thêm hỗn loạn.

Câu hỏi đặt ra là vấn đề đã được thấy rõ, đã có rất nhiều dự án, tiêu tốn số vốn khổng lồ vào phát triển hạ tầng giao thông nhưng vì sao tình trạng không được cải thiện?

 Nhiều chuyên gia đã nêu câu trả lời: do sự đầu tư thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ nên cầu xây nhiều, đường mở nhiều nhưng kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe.

 Nói một cách khái quát, là dường như các giải pháp giao thông của TPHCM vẫn mang tính chắp vá, đụng đâu sửa đó, cái gốc của vấn đề không được xử lý rốt ráo, trong khi quy hoạch luôn bị phá vỡ hoặc không được thực thi nghiêm ngặt. 

Dùng các biện pháp tạm thời, mang tính “chiến thuật” sẽ khó mà giải quyết vấn đề đã nghiêm trọng ở mức “chiến lược” rồi.

MỚI - NÓNG