Chống “bôi trơn”

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Cách đây không lâu, phóng viên Tiền Phong tận mắt chứng kiến và ghi hình lại cảnh “bôi trơn” tại một đơn vị hải quan tại cửa khẩu Cảng Hải Phòng.

Theo đó, dù đã vào luồng xanh (tức là doanh nghiệp được ưu tiên với chỉ số minh bạch cao), doanh nghiệp (DN) vẫn phải “bôi trơn”. Những tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng ít nhiều, dầy mỏng theo đó cứ răm rắp được kẹp, gói trong những tờ giấy A4 và lập tức chạy vào ngăn kéo để rồi hồ sơ tiếp tục được chạy theo dây chuyền làm thủ tục. Nếu không có, điều gì sẽ xảy ra? Một DN kể đã bị hành chạy lòng vòng khổ sở về việc làm lại tờ khai thủ tục chỉ vì “quên” phí.

Trường hợp không trả phí “bôi trơn”, 17% DN cho biết bị phân biệt đối xử. Các hình thức phân biệt đối xử rất “linh hoạt” như: kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do nhiều hồ sơ; yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định pháp luật; thể hiện thái độ thiếu lịch sự, lạnh lùng, cố “bới lông tìm vết” của không ít công chức hải quan…

Làm cách nào để chống “bôi trơn”? Cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan  ban hành kế hoạch trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đối với người nộp thuế và cán bộ hải quan vi phạm pháp luật về hải quan, phải xem xét, đánh giá mức độ vi phạm để chuyển sang các cơ quan điều tra để xử lý hình sự khi có đủ căn cứ. Đặc biệt, thực hiện xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan công an trong xử lý hành vi vi phạm, tham nhũng để có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài.

Theo một cán bộ Tổng cục Hải quan, thời gian của DN là tiền, là bạc, là cơ hội. “DN có làm ăn được, có hoạt động xuất nhập khẩu hàng thì hải quan mới đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra giám sát hàng hóa và thu ngân sách”, vị này nói.

Hiểu được bản chất vấn đề, nhìn thấy tác hại của “bôi trơn” rồi, kế hoạch đã ban ra, vậy thì chờ gì mà không tăng cường hành động!

MỚI - NÓNG