Chuyện “con ông”…

TP - Có một công ty cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm quyền chi phối ở Hà Nội, tiền thân là một viện thiết kế, quy mô nhân sự cỡ cả ngàn người. Một hôm, người ta thấy văn phòng công ty, vốn có hàng trăm người làm việc hằng ngày, chưa kể số cán bộ, kỹ sư ngoài công trường, bỗng nhiên vắng teo.

Hỏi ra mới biết, vì gần một nửa số người ở văn phòng đi đám ma mẹ vợ… ông bảo vệ. Cứ tưởng công ty này giàu lòng thương cảm, nhưng không phải: chỉ đơn giản ông bảo vệ là họ hàng với tổng giám đốc. Mà trong công ty, có biết bao nhiêu người là họ hàng với tổng giám đốc, có nghĩa là cùng chung cái tang kia. Nên chỉ ông bảo vệ mất mẹ vợ thôi mà công ty vắng teo.

Kể ra như thế để thấy rằng, chuyện con ông nọ, cháu ông kia đâu có gì mới ở nước ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cũng một phần nhờ sự phát triển của truyền thông, của mạng xã hội nên các vụ bổ nhiệm con cái quan chức được biết đến nhiều hơn. Chứ chuyện đó nhiều nơi có.

Chuyện bổ nhiệm con cái quan chức, hay nói theo kiểu dân gian là “con ông cháu cha” thì có ở nhiều quốc gia, từ Trung Quốc, Nga, Mỹ đến Campuchia… Nhưng mỗi nước mỗi khác. Có những quốc gia mà ở đó, chuyện gia đình có truyền thống làm chính trị không hiếm: Ở Mỹ có nhà Kennedy, có dòng họ Bush với hai đời tổng thống, nay thêm một thống đốc bang mang họ Bush, ở Ấn Độ có nhà Ghandi nổi tiếng, Singapore có hai cha con ông Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long làm thủ tướng…

Nhưng những trường hợp kể trên, ít nghe thấy dân chúng phàn nàn chuyện con ông cháu cha. Không phải dân chúng các nước đó dễ tính mà họ thấy những người thuộc danh gia vọng tộc kia thực sự có tài năng, có điều kiện kiểm chứng và thông qua bầu bán công khai. Còn khi có mờ ám, dân chúng đâu có để yên.

Hồi năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc Yu Myung Hwan đã phải xin từ chức do sự giận dữ của người dân nước này về việc con gái ông Yu được tuyển dụng vào làm việc tại bộ do cha mình lãnh đạo. Bởi con ông đã bị trượt trong đợt tuyển dụng đầu tiên, nhưng sau đó, lại được cho một cơ hội thứ hai: có gần một tháng bổ sung bằng ngoại ngữ.

Cơ hội dành cho tất cả mọi người, miễn anh có năng lực. Đó là nguyên tắc chung, áp dụng với cả con thường dân và con quan chức. Nhưng vì sao chuyện con ông cháu cha ở ta lại khiến dân chúng bức xúc nhiều đến thế? 

Là bởi vì họ chưa chứng minh được năng lực thực sự. Vì lý do đó, dễ hiểu là sẽ có rất nhiều người cảm thấy ức chế với lời của một quan chức ở TPHCM rằng con cái lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc. Ý mà bà muốn diễn đạt không hẳn sai, bởi ông cha ta có câu “con hơn cha là nhà có phúc”. Con lãnh đạo có nhiều điều kiện để “cọ xát” với quyền lực hơn.

Nhưng mưu cầu thăng tiến là quyền, bình đẳng với tất cả mọi người, kể cả con dân thường lẫn con lãnh đạo. Nếu cứ cạnh tranh bình đẳng và công khai, minh bạch thì chẳng ai bức xúc làm gì.

MỚI - NÓNG