Có lý nhưng chưa hợp lý

Có lý nhưng chưa hợp lý
TP - Có bạn đọc báo cho biết, anh làm ở TPHCM hơn 5 năm, về quê đăng ký kết hôn và bị UBND phường “đè ra thu phí xe máy, không biết nói sao”. Không nộp thì không được ký bất kỳ giấy tờ gì.

“Mà xe của mình hầu như chỉ đi ở TPHCM, vậy phải đóng thì đóng sao cho hợp tình hợp lý đây”, anh thắc mắc. “Đó là còn chưa nói đến việc mấy ông phường tùy tiện. Phí xe máy thì có liên quan gì đến đăng ký kết hôn của người ta mà các ông ngăn cản”?

Chỉ nói một ví dụ nhỏ như thế cũng đủ thấy chuyện thu phí đường bộ đối với xe máy vừa được thực thi ở một số địa phương đang gây ra sự nhiêu khê, băn khoăn đối với cả người dân lẫn chính quyền các địa phương.

Qua chuyện tranh luận trên nghị trường Quốc hội giữa Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, có thể thấy rõ chủ trương thu phí đường bộ trực tiếp đối với xe máy rơi vào tình trạng “có lý nhưng chưa hợp lý”.

Tất nhiên, khi bảo vệ chủ trương này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng có lý lẽ riêng. Về nguyên tắc, ai sử dụng đường bộ đều phải nộp phí, kể cả người đi bộ. (Người đi bộ tuy không nộp phí trực tiếp như người sử dụng phương tiện giao thông nhưng cũng phải đóng góp nhiều khoản thu khác vào ngân sách nhà nước để rồi được nhà nước đầu tư vào đường sá). Nói như vậy thì việc thu phí đường bộ trực tiếp đối với xe máy, mô tô cũng không có gì sai.

Vấn đề nằm ở tính hợp lý. Bởi chuyện thu phí này đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp tới nơi tới chốn.

Nói như bà  Nguyễn Thị Quyết Tâm, người dân đã chịu rất nhiều loại thuế và lệ phí vì sao phải đóng thêm phí nữa? Người dân rất khó hiểu. Chủ tịch HĐND TPHCM, thú nhận “ngay như HĐND TPHCM ra nghị quyết (về việc thu phí) mà còn không hiểu được”.

Với trường hợp cụ thể như TPHCM, một thành phố đông dân, sống tập trung, chuyện thu phí đã cho thấy nhiều vấn đề bất hợp lý. Với số thu như nghị quyết của HĐND TPHCM là từ 100.000-150.000 đồng/xe/năm, chưa cần bàn đến những người nghèo, chỉ tính đến việc tổ chức thu cũng vô cùng nhiêu khê. Viễn cảnh dễ thấy là nhiều người dân sẽ không tự giác đi nộp phí và lực lượng phường xã cũng khó mà thu nếu người dân không tự giác. Theo quy định, CSGT cũng không có thẩm quyền xử phạt người chưa nộp phí bảo trì đường bộ trực tiếp. Đó là chưa kể hàng triệu người ngoại tỉnh ngày ngày sử dụng đường bộ ở TPHCM nhưng “sẵn sàng” không đóng. Hơn nữa, TPHCM có 10 triệu dân, số lượng xe gắn máy nhiều nhất so với cả nước nhưng tính thu đủ, thu hợp lý chỉ trên dưới 300 tỷ đồng. Chi cho việc tổ chức thu lại chi tiếp cho bộ máy bảo trì đường bộ thì thực vào công trình chẳng được bao nhiêu.

Chính vậy mới nói, có lý nhưng chưa hợp lý thì khó thực hiện. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.