Công nghệ hay quan hệ?

Công nghệ hay quan hệ?
TP - Tối qua 11/10, tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ làm hết sức mình, để các DN Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công.

Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy. “Ở các nước trên thế giới, các doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng, niềm tự hào cho toàn quốc gia. Việt Nam chúng ta ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, vươn ra thế giới”- Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ doanh nhân với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Đó là điều rất đáng phải trăn trở và suy ngẫm. Có rất nhiều lý do cho một nước xuất phát điểm thấp, vốn thuần nông, lại chiến tranh liên miên và không có truyền thống thương mại như Việt Nam, song chắc chắn đó không phải là những lý do chính để đến nay, những “biểu tượng”, “niềm tự hào quốc gia” của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa ló dạng trên trường quốc tế.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã thẳng thắn chỉ ra “gót chân asin” của doanh nghiệp Việt: “Các doanh nhân đừng đầu tư vào quan hệ nữa, đã qua thời sáng kinh doanh, tối đi quan hệ; hãy liên kết, đừng đánh quả lẻ, đi đêm, không là trọc phú, mà vươn tới chuẩn mực toàn cầu”. Ông Lộc cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ chứ không dựa vào quan hệ, vì môi trường kinh doanh minh bạch, quan hệ sẽ “hết đất”.

Cách đây vài năm, tôi tình cờ gặp một doanh nhân, chủ tịch một tập đoàn có tiếng của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Green Week nổi tiếng của Đức, tổ chức tại thủ đô Berlin. Anh trầm trồ, thán phục với sản phẩm cửa kính cách nhiệt của một doanh nghiệp gia đình của Đức. Cửa kính 2 lớp đúc kín, giữa là rèm điều khiển được từ xa, lửa đốt cháy đùng đùng một mặt song mặt còn lại sờ tay vẫn… mát lạnh. Điều đáng ngạc nhiên, người đứng ra trực tiếp giới thiệu sản phẩm công nghệ cao đó chỉ là hai bố con trong một gia đình – một loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa rất phổ biến tại Đức, lực lượng xương sống làm nên sức mạnh hùng hậu của nền kinh tế nước này.

Té ra, tại nước Đức hay nước Nhật, chính các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình, đã làm nên những “made in Germany” hay “made in Japan” lừng danh thế giới. Chính các doanh nghiệp này đã mày mò, đã sáng chế và ứng dụng được công nghệ chế tạo rất sâu cho những sản phẩm đạt tới độ hoàn hảo của họ. Và như vậy, để có một “made in Vietnam” uy tín và tự hào trong tương lai, không có con đường nào khác là các doanh nghiệp Việt phải đầu tư vào công nghệ chuyên sâu, chứ không phải cái gọi là “quan hệ” như hiện nay.

Muốn vậy, một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, một chính phủ liêm khiết, kiến tạo và phục vụ sẽ là điều kiện cần để không còn đất sống cho các loại “quan hệ” chằng chịt, các kiểu “đi đêm” tồn tại. Khi đó, ắt doanh nghiệp muốn phát triển sẽ buộc phải đầu tư vào công nghệ.

MỚI - NÓNG