Cổng trường mở ra

Cổng trường mở ra
TP - “Mỗi tối đi qua các trường thấy đóng cửa im ỉm, tối thui nên chúng tôi nghĩ làm sao để trường học phải “sống” về đêm…”. Ý nghĩ bất ngờ ấy khởi phát từ người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng. Cũng chỉ mấy tháng trước thôi.

Để rồi bắt đầu từ tháng 12 này, toàn thành phố sẽ mở cổng trường ngoài giờ học. Biến khuôn viên trường học thành những “công viên” đặc biệt để vui chơi, thư giãn, luyện tập thể thao, rèn năng khiếu nghệ thuật, kỹ năng sống, đọc sách… dành cho học sinh và người dân sống lân cận. 

Thực ra, Đà Nẵng đã “làm nháp” trước trong 3 tháng hè vừa rồi. Những cánh cổng trường mở rộng. Những thư viện mở rộng, tăng cường các tủ sách, để học sinh và người dân vào vui chơi, đọc sách dưới bóng mát sân trường.  

Mở rộng cổng trường để cho trường học “sống” suốt thời gian trong ngày, dành cho mọi tầng lớp nhân dân, có thể nói là một quyết định táo bạo. Đặc biệt khi ngôi trường xưa nay luôn được mặc định dành riêng cho thầy và trò. Khó mà xâm phạm.

Thực ra, theo nguyên lý lẫn triết lý giáo dục, cánh cổng trường học, hay nói cách khác là môi trường học tập không bao giờ đóng lại phục vụ riêng một đối tượng. Trường học, ngoài thời gian học hành, sinh hoạt, luyện tập chính khóa thường nhật, thì ngoài giờ, kể cả buổi tối, ngày nghỉ cũng không vắng bóng học sinh. Trên thế giới đều vậy. Nối dài bằng những hoạt động thể thao, đọc sách thư viện, sinh hoạt ngoại khóa, rèn kỹ năng… Nhưng thực tế ở ta, nền giáo dục vẫn còn khiến học sinh thụ động, học xa cách với hành, ngại vận động, còn nhà trường thì đào tạo một chiều, nặng lý thuyết.  

Vậy nên chủ trương này khi mới đưa ra, bình luận trên mạng xã hội, ngoài đa số tỏ ra vui mừng, hào hứng, thì vẫn có không ít ý kiến trái chiều. Bày tỏ lo lắng về an ninh trật tự, nạn xả rác, rồi chi phí điện nước, bảo vệ ai chịu?   

Việc gì trên đời mà không có sự bắt đầu. Vừa làm vừa điều chỉnh, chỉ sợ là không làm. Nếu không, có lẽ cả nền giáo dục vẫn “đứng ngoài cổng trường”.

“Người nào mở một cánh cổng trường học, sẽ đóng lại một nhà tù”. Từ danh ngôn của văn hào Pháp Victor Hugo, chợt nhớ đến ông Nguyễn Bá Thanh - người đứng đầu thành phố này suốt nhiều năm. Sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh từng đưa gần 200 thanh thiếu niên, học sinh cá biệt toàn thành phố đi tham quan trường giáo dưỡng, trại giam. Sau đó tổ chức đối thoại, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các em. Sau chuyến đi ấy, hầu hết các em đều tỉnh ngộ, quay về nẻo thiện. Trại giam cũng có thể biến thành nội dung học hỏi cho học sinh cơ mà!

Từ những chuyện “lạ” ở Đà Nẵng, rút ra một điều, rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, người lãnh đạo cần phải nhìn thấy bằng tư duy mở, vì dân. Mạnh dạn mở ra những cánh cổng nguyên tắc đã quá lâu rồi vẫn khóa chặt tư duy. Như trong câu chuyện này, nói như ông giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, đó là “giáo dục phải phụng sự xã hội, chứ giáo dục không chỉ là tài trợ, là được nhận”. 

Cổng trường mở ra, để giáo dục đi theo nghĩa mở rộng nhất, chứ không chỉ là cắp vở đến trường.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.