Công & tư

Công & tư
TP - Những năm gần đây, cụm từ “xung đột lợi ích” đã được đề cập với tần suất ngày một nhiều ở nước ta. Tháng 9/2016, một nghiên cứu chung giữa Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ được công bố với tiêu đề “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, nghiên cứu này được coi là nỗ lực ban đầu để nhìn nhận vấn đề xung đột lợi ích ở Việt Nam  nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng thể chế và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. 

“Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035. Kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo”, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione nhìn nhận.

Theo Ngân hàng thế giới, khái niệm “xung đột lợi ích” (conflict of interest) được định nghĩa như  sau : “Xung đột hay mâu thuẫn lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình, đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định hoặc có những hành động, có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ”.  Nói nôm na, xung đột lợi ích có thể coi là một dạng tham nhũng chính sách, sử dụng chính sách công để có lợi cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích nào đó. Rõ ràng “xung đột lợi ích” là một hiện tượng gắn liền với quốc nạn tham nhũng đang nhức nhối hiện nay.

Chính vì vậy, việc thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình đang sở hữu khối tài sản lớn trị giá hàng trăm tỷ đồng trong công ty Điện Quang, vốn trước đây thuộc sở hữu nhà nước, nay đã được cổ phần hóa đang được dư luận quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về việc này, rằng khối tài sản dưới dạng cổ phiếu của thứ trưởng Thoa (khoảng 100 tỷ đồng) đã được hình thành từ trước khi về làm việc tại Bộ này, rằng đã được bà Thoa kê khai đầy đủ trong bản kê khai tài sản hàng năm, song việc công ty này lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương chính là điểm “nhạy cảm” mà dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có xảy ra “xung đột lợi ích” trong trường hợp cụ thể này ? Điều này rất cần Bộ Công Thương giải thích và làm rõ trước công luận.

Và một điều quan trọng nữa, đó là tuy tài sản đã công khai nhưng cần phải minh bạch, tức phải chứng minh và lý giải được khối tài sản đó từ đâu ra ? Theo ĐBQH Lê Thanh Vân: “Muốn biết sự thật thì phải kiểm tra. Để trả lời công luận, có mấy việc cả cơ quan chủ quản, và bản thân bà Thoa phải chứng minh, đó là nguồn gốc tài sản ấy ra sao? Nếu chứng minh được tài sản đó chính đáng, thì phải trả lời cho dư luận biết,  và cũng là để thanh minh cho bà thứ trưởng. Còn nếu có những cái không rõ nguồn gốc thì xem xét, để các cơ quan khác vào cuộc”.

Đúng vậy, làm giàu chính đáng ngày nay đương nhiên sẽ được xã hội nể trọng dù bất kể người đó là ai, quan chức hay dân thường, và tài sản của họ và gia đình phải được pháp luật bảo vệ. Đương nhiên, trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì làm quan chức mà giàu có ắt sẽ phải công khai và minh bạch số tài sản đó trước công luận, không có cách nào khác.

MỚI - NÓNG