Của công, ai quyết

TP - Bảo tàng Louvre (Paris) một sáng đẹp trời, giữa không gian đồ sộ tranh, tượng nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, quán cà phê Starbucks nhỏ khiêm nhường phục vụ du khách.

Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội) một chiều tối trời, khách Tây ngơ ngác tìm lối vào giữa “ma trận” quán phở, quán bia... bủa vây.

Đúng là một sự so sánh khập khiễng. Louvre khách tham quan khắp thế giới đổ tới nườm nượp, nguồn thu từ bán vé chắc chắn rất tốt. Còn tình cảnh nhiều bảo tàng ở Việt Nam hầu như èo uột. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vài lần tôi đến, qua một phòng lại phải đóng cửa cái cạch để khỏi tốn điện điều hòa.

Cô nhân viên ngồi buồn, ngáp vặt; có nơi mùi hiện vật ẩm xộc lên mũi khó chịu. Thế còn may chán. Bảo tàng Hà Nội và nhiều bảo tàng khác còn vắng như chùa Bà Đanh. Người ta đã dùng tài sản công thế đấy.

Nếu không có sự thịnh vượng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chắc ai đó sẽ tha hồ đổ nhiều lỗi khách quan. Có lẽ, cách tạo nguồn thu nhanh nhất là cho thuê mặt tiền kinh doanh như đã thấy. Tại nhiều bệnh viện công cũng thế, có khi thiết bị cổ phần (các cổ đông đóng tiền mua) hoạt động hết công suất, máy nhà nước đầu tư đắp chiếu; gom bệnh nhân quá tải để lấy không gian làm dịch vụ…

Ở Vĩnh Phúc mới đây, trong cuộc làm việc với đoàn công tác Chính phủ, các ông quan đầu tỉnh ra sức bảo vệ quan điểm phá rừng phòng hộ Núi Ngang (Tam Đảo) làm nghĩa trang. Không hiểu nghĩa trang nằm trên Tam Đảo, khách du lịch nào còn dám tới?

Bảo vệ tới mức lãnh đạo tỉnh này còn tuyên bố như một tờ báo nêu: Xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững. Tỉnh này cũng đang bị người dân phản ứng mạnh về việc thu hồi 256 ha đất nông nghiệp để xây khu du lịch sinh thái. Trong khi đó, tinh thần của Thủ tướng rõ ràng: Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Bộ Tài chính đang tính để đưa hệ thống hạ tầng giao thông vào diện tài sản công. Vậy Quỹ bảo trì đường bộ thì sao? Quỹ này tính đến hết ngày 31/3/2017, tổng thu phí sử dụng đường bộ là hơn 1.634 tỷ đồng, đạt 120,41% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26,09% kế hoạch thu cả năm 2017. Trung bình 1 ngày thu 24,6 tỷ đồng.

Thu thì hoành tráng, thế nhưng năm ngoái, câu chuyện một ổ gà bao năm dân kêu không sửa. Đến khi người dân lấy xi măng ra trám, cán bộ xuất hiện phạt. Với tư cách là người đóng phí bảo trì đường bộ bắt buộc, một nhà báo như tôi khó mà biết quỹ này chi tiêu thế nào. Chỉ đoán người cầm quỹ hẳn là oai oách lắm. Trong lúc ngân sách khó khăn, sao không chuyển hẳn quỹ sang Bộ Tài chính quản lý.

Ngân sách nhà nước đang tiết kiệm từng đồng trong bối cảnh nỗi lo nợ công cao. Tới đây, biển số đẹp, mỗi nhà công vụ, ô tô biển xanh… phải được tính toán thành tài sản công và chi tiêu có ích nhất. Mỗi đồng thuế của dân chi cho bộ máy công quyền cần phải hiệu quả hơn; chứ “trên nóng, dưới vẫn lạnh” thì uổng phí biết bao. Mà lãng phí còn tệ hơn tham nhũng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.