Của để dành

Của để dành
TP - Ngày 8/8, báoTiền Phong khởi đăng loạt bài cảnh báo mức độ nguy hiểm của việc 7000 lít dầu chứa chất siêu độc PCB nằm bên bờ vịnh Hạ Long suốt 7 năm trời. Ngay sau đó Đài truyền hình Việt Nam cũng vào cuộc với nhiều phóng sự nóng hổi về vấn đề này. 

Ngày 22/8, Bộ TN&MT cùng UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết được phương án di dời số hóa chất này khỏi cảng Cái Lân ngay trong tuần tới. Như vậy trước đòi hỏi và sức ép chính đáng, tích cực của công luận, trước sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và địa phương liên quan, cuối cùng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sắp thoát được nguy cơ ô nhiễm của chất siêu độc PCB chỉ đứng sau loại độc nhất là dioxin.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã gửi lời cám ơn Tiền Phong và các phương tiện thông tin đại chúng khác “đã nêu vấn đề và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý”. 

Ông Tùng cho rằng: “Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình, và qua đây thấy được trách nhiệm của các bên, tất cả đều rút ra được bài học”. Đúng như vậy, nhất là nhận thức về một vấn đề thường chỉ xảy ra trong tương lai (dù là rất gần), lại mang tính “cha chung” chẳng của riêng ai như môi trường. 

Chưa kể đó lại là một loại chất có trong dầu máy biến thế rất ít được nói tới tại Việt Nam như PCB. Nhưng chừng đó lý do cũng khó có thể biện minh cho một quá trình từ “nhận thức” tới “hành động” dài ngót thập kỷ như vụ việc trên. 

Công chúng có thể không biết chất độc PCB là gì, mức độ nguy hiểm ra sao nếu thoát ra môi trường, song chắc chắn các chuyên gia, những nhà quản lý về môi trường hẳn biết rõ. Nhưng quả thật để buộc tất cả các ban ngành liên quan khác cùng nhận thức được vấn đề, cùng vào cuộc quyết liệt như thời gian qua không phải dễ nếu không có sức ép của công luận. Dễ hiểu vì sao, lãnh đạo Tổng cục Môi trường gửi lời cám ơn tới báo chí.

Tuy nhiên điều này cũng cho thấy, sức mạnh của các công cụ pháp luật về môi trường cũng như quyền lực của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Một khối lượng chất độc hại lớn như vậy, lại nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, báu vật không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại, ấy thế mà suốt 7 năm mới có thể di dời được. 

Chợt lo không biết hàng loạt các vấn đề về môi trường khác, đang từng ngày từng giờ hủy hoại và đe dọa đến môi trường sống của chúng ta, đã và đang được xử lý ra sao ? Liệu những dòng sông mát lành, những vạt rừng xanh ngắt, những cánh đồng trù phú có còn cho con cháu chúng ta ?

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Song đi cùng với nó môi trường phải được bảo vệ một cách tương xứng và hiệu quả. Đó là cách phát triển bền vững và khôn ngoan. Tài nguyên và Môi trường chính là của để dành cho con cháu chúng ta muôn đời sau.

MỚI - NÓNG