Đá & phép lạ

TP - Trong khi đá trên mạng xã hội vẫn tiếp tục được ném ra, thì đá tượng đài ở Bắc Kạn cũng lăn ầm. Một em bé 12 tuổi bị thương khi chơi đùa bu bám vào tượng đài Chiến Thắng ở thành phố Bắc Kạn, khiến một phần của cụm tượng đài này bị văng ra… 

Mạng xã hội facebook cuối tuần qua lại được phen xôn xao sau bài trả lời phỏng vấn của ông Cục trưởng. 

Trong khi đá trên mạng xã hội vẫn tiếp tục được ném ra, thì đá tượng đài ở Bắc Kạn cũng lăn ầm. Một em bé 12 tuổi bị thương khi chơi đùa bu bám vào tượng đài Chiến Thắng ở thành phố Bắc Kạn, khiến một phần của cụm tượng đài này bị văng ra… 

Mạng xã hội facebook cuối tuần qua lại được phen xôn xao sau bài trả lời phỏng vấn của ông Cục trưởng. Tựu trung vào hai chữ “tha hóa” trong cái tựa bài trên Vietnamnet.vn “Mạng xã hội làm tha hóa hành vi sống của nhiều người”. Cuộc “phím luận” xảy ra sau đó giữa ông Cục trưởng còn khá trẻ vốn là một nhà báo kỳ cựu này với một võ sư cũng từng là nhà báo. Tất nhiên, như dự đoán, chẳng có gì có thể làm thay đổi quan điểm của đội fans đôi bên. “Đá” vẫn được ném vào nhau…

Không dễ gì có phép lạ làm thay đổi cán cân suy nghĩ của hơn 30 triệu tài khoản facebook hoạt động mỗi ngày ở Việt Nam. Khi cái “tôi” của mỗi cư dân mạng được "thả cửa" với biên độ gần như tuyệt đối. Trong lúc báo chí chính thống lẫn công quyền vẫn loay hoay trước cơn lốc thông tin bùng nổ đa chiều. 

Cụm tượng đài bằng đá xanh tổng kinh phí 14 tỷ đồng ở Bắc Kạn được liên kết với nhau bằng keo dán. Và dù với chất liệu gì, thì chuyện gãy đổ của một công trình như vậy trên thực tế vẫn có thể xảy ra. Như từng xảy ra lún nứt, xiêu vẹo ở không ít tượng đài. Nhưng ác nỗi trong vụ này đã hàm chứa sự xung đột giữa các khái niệm. Tượng đài luôn biểu trưng cho sự vĩnh cửu, vững như bàn thạch. Còn cậu bé 12 tuổi, tất nhiên luôn khiến người ta nghĩ về sự yếu ớt, bé nhỏ. Cú “huých” vô tình của cậu bé gây ra một “phép lạ” khó tin. Câu trả lời ở đây sẽ là gì, có thỏa đáng với dư luận không? 

Báo Tiền Phong vừa có bài “Chủ tịch TP HCM xử lý vụ khiếu kiện 20 năm trong...20 phút”. Chẳng khó khăn để nhớ lại hồi tháng 1/2015, một “phép màu” như vậy đã diễn ra cũng tại thành phố này: “30 phút giải quyết vụ khiếu nại 10 năm”. Đó là việc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM lúc đó là ông Lê Thanh Hải chỉ trong ít phút tiếp dân, đã giải quyết xong vụ khiếu nại đất đai đầy khổ ải kéo dài suốt 10 năm của một đại gia đình. 

Liên kết của những “viên đá” trên mạng xã hội cơ bản là sự “soi kính lúp” hiện thực trên tâm thế niềm tin/mất niềm tin. Liên kết của cụm tượng đài như ở Bắc Kạn là chất keo công nghiệp. Còn chất tạo ra sự liên kết của cơ chế hiện hành là gì? Là chất liệu gì, khi những vụ oan sai của dân kéo dài khắc khoải đến vài thập kỷ, dù đã biết bao cơ quan ban ngành nhúng tay vào?. Nhưng chỉ với ít phút của những vị lãnh đạo, lại tạo ra “phép lạ” đến khó tin.   

Thành phố Hồ Chí Minh đông đảo nhất nước với hơn 8 triệu dân, so với tỉnh ít dân nhất là Bắc Kạn, chỉ có hơn 303 ngàn người. Đôi khi, chỉ riêng việc hai địa phương ấy vẫn gần như khoác chung một chiếc áo cơ chế giống nhau, thì “chất keo” ấy sẽ còn có thể tạo ra những “phép lạ” không mong muốn…

MỚI - NÓNG