Đại phẫu

Đại phẫu
TP - Ngày 24/2, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Cty Gang thép Thái Nguyên. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đã phải “đắp chiếu” nhiều năm sau khi gặp vướng mắc lớn về vấn đề tài chính.

Câu chuyện 12 dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận và hứa hẹn là sẽ  ca “đại phẫu” phức tạp thách thức nền kinh tế và điều hành của Chính phủ.

Một thành viên trong đoàn đi kiểm tra một số nhà máy thua lỗ này kể: Có đi xuống tận nơi, mới thấy choáng trước việc đầu tư của các đơn vị. “Có dự án ký cả chục, trăm triệu USD nhập khẩu máy móc, thiết bị, vậy mà thiếu ngay điều khoản nhà cung cấp phải đảm bảo về trang thiết bị dự phòng thay thế khi hỏng hóc. Và như thế, chỉ cần hỏng 1 thiết bị nhỏ, có khi dừng cả một dây chuyền. Tệ hơn, có nhà máy dù tỷ lệ góp vốn của phía ta (Việt Nam) cao ngất ngưởng, nhưng vẫn để đối tác “thòng” điều khoản đòi có ý kiến và có phần quyết định trong một loạt nội dung hoạt động”, vị này nói.

Trước đó, trong một cuộc họp bàn về xử lý những dự án ngàn tỷ “đắp chiếu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp, dự án lớn thuộc ngành công thương, dứt khoát: “Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án ngàn tỉ thua lỗ vì thực sự nếu có bỏ thêm tiền vào các dự án này thì cũng chỉ tăng thêm thua lỗ”.

Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (ban hành ngày 21/2/2017), Thủ tướng chỉ đạo: “Có thể cho phá sản dự án thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi,  hoàn thành xử lý trước tháng 6 năm 2018”.

"Theo Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng, để không bị lãng phí tài sản, việc duy nhất cần làm là giảm giá trị vốn đầu tư, có thể bằng cách đánh giá lại giá trị tài sản, bán đấu giá để các nhà đầu tư khác mua lại với mức giá thị trường hoặc thậm chí cho đấu thầu thuê lại nhà máy để sản xuất.

“Khi giảm giá trị khấu hao, sản phẩm có thể cạnh tranh tiêu thụ trên thị trường, công ty sẽ có doanh thu, có lợi nhuận, ngân hàng sẽ cấp tín dụng hoạt động sản xuất, ngân sách sẽ thu được thuế, người lao động sẽ có thêm việc làm... Và như thế, Chính phủ sẽ không còn phải đau đầu với dự án “đắp chiếu” trở thành đống phế liệu”, ông Hưng đề xuất.

MỚI - NÓNG