Dân sinh hay quan sinh?

Dân sinh hay quan sinh?
TP - Hình ảnh học sinh, giáo viên chui mình vào trong từng chiếc túi bóng để nhờ một người dân túm miệng bao kéo qua sông tại bản Sam Lang, xã Na Hỳ, Nậm Pồ, Điện Biên, vẫn chưa hết ám ảnh người dân cả nước thì mới đây, tại xóm 6, xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh, người dân hết sức bất bình khi chiếc cầu treo hàng tỷ đồng lại “mọc” ngay cửa ngõ nhà ông Chủ tịch xã.

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng, những khó khăn vất vả của học sinh miền núi can đảm vượt sông tìm kiếm con chữ, mới đây, Bộ GTVT đưa đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Dù 186 chiếc cầu treo là con số quá bé nhỏ so với nhu cầu thực tế tại các địa phương. Nhưng với ý nghĩa nhân văn của đề án, người dân cũng như quan chức địa phương hồ hởi đón nhận sự quan tâm với sự trân trọng và biết ơn. 

Trớ trêu thay, khi chiếc cầu treo dân sinh Khe Tây, xóm 6, xã Sơn Thọ, Vũ Quang hoàn thành lại gây sự bất bình cho người dân nơi đây. “Thực ra mà nói, nếu nói tính cấp bách thì chỗ này phải thừa nhận chưa. Tiền này không phải tỉnh cho, nếu cho tiền mà được chuyển đổi thì không làm ở đó. Người ta về cho mình, thế là mừng rồi, người ta ở ngoài kia đưa về, mình bàn giao mặt bằng cho họ thôi. Anh được hỗ trợ, cho thì nhận. Cái này toàn quyền của họ, huyện chỉ đề xuất, nếu huyện đầu tư câu chuyện hoàn toàn khác. Họ giúp thì mình nhận”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, ông Phạm Quốc Thanh nói.

Hóa ra đây được coi là “lộc” nên dù chưa cấp thiết cũng lặng im mà... nhận. Vị lãnh đạo huyện này coi đây là tiền của trung ương chả phải của tỉnh, của huyện nên cứ tham mưu, cứ xây dựng đề án được thì tốt còn không cũng chả sao, chả mất của ai mà thiệt. Cũng lạ thật, chiếc cầu hơn bốn tỷ đồng được xây dựng hoành tráng, vậy nhưng từ lãnh đạo xã, huyện và đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh đều lắc đầu khi hỏi về số tiền đầu tư xây dựng. “Quá trình triển khai họ có thuê mình giám sát trong quá trình làm. Các thủ tục từ khảo sát, thiết kế đến thi công họ làm hết. Mình quản lý tư vấn thay họ thôi”, đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết. 

“Đó là sự trùng hợp, nằm trong quy hoạch làm cầu dân sinh. Nếu nói trong xã thì có nhiều nơi cấp thiết hơn nhưng các nơi đó không bắc được cầu treo”, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ nói.

Cầu dân sinh bắc qua nhà quan chức, dù chưa cấp thiết nhưng cấp trên cho cứ nhận. Với tư duy kiểu “lộc” trên ban thì hưởng, cầu lại nhằm thẳng ngõ nhà chủ tịch xã mà bắc, thử hỏi cầu dân sinh hay “quan sinh” đây?

Nhìn ở góc độ khác, việc vung tiền tỷ ngân sách để xây dựng những cây cầu không phải phục vụ cho đa số cộng đồng cũng là cách làm thiếu trách nhiệm với dân của chủ đầu tư.

MỚI - NÓNG