Đằng sau khói bom

Hiện trường vụ đánh bom tại sân bay Brussels.
Hiện trường vụ đánh bom tại sân bay Brussels.
TP - Ba vụ nổ lớn liên tiếp xảy ra ở sảnh đi của sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 22/3, khiến hàng chục người thiệt mạng và đặt châu Âu vào tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Mặc dù động cơ thực sự của những kẻ khủng bố chưa được làm rõ, nhưng chỉ cách đây ít ngày, cảnh sát Bỉ bắt được Salah Abdeslam, nghi can thực hiện vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, Pháp hôm 13/11/2015 khiến 150 người thiệt mạng. Sau khi gây án, Salah Abdeslam bỏ trốn qua Bỉ. Chính vì thế, nhiều người liên tưởng ngay đến một vụ trả thù của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhưng những kẻ thủ ác có là ai thì rõ ràng đây lại là một vụ khủng bố đẫm máu khác ở châu Âu. Hai vụ khủng bố liên tiếp nhằm vào hai thành phố thuộc dạng thanh bình nhất thế giới xưa nay là Brussels và Paris hoa lệ cho thấy khủng bố có thể thò bàn tay chết chóc đến bất cứ đâu. Và cả châu Âu đang cực kỳ căng thẳng. Thủ tướng Bỉ Charles Michel khuyến cáo người dân “tránh mọi hoạt động”, không nên ra ngoài trong lúc này. Nước Anh cũng được đặt vào tình trạng khẩn cấp ở mức “nghiêm trọng”, chỉ thấp hơn mức độ khẩn cấp cao nhất là tình trạng chiến tranh.

Các vụ nổ ở Brussels mang nhiều đặc điểm cho thấy khả năng rất lớn là tấn công khủng bố. Bởi nguy cơ khủng bố từ các chiến binh Hồi giáo cực đoan có thể tăng có thể giảm theo từng giai đoạn, nhưng một thực tế là mỗi khi có một nhân vật của tổ chức khủng bố bị bắt giữ thì ngay sau đó sẽ có hành động trả thù. Vụ khủng bố ngày 13/11/2015 ở Paris cũng tương tự.

Dù chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan được nhìn nhận là mối đe dọa toàn cầu, nhưng chính sự “ông chẳng bà chuộc” và những toan tính lợi ích của các cường quốc đã và đang tạo ra những khoảng trống để chúng tồn tại. Về các vụ nổ vừa xảy ra ở Brussels, nơi đóng trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) do Mỹ đứng đầu, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Duma (Hạ viện) Nga Alexei Pushkov viết trên trang Twitter với giọng khá hả hê: “Trong khi Jens Stoltenberg (người đứng đầu NATO) đang bận bịu chiến đấu với cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” do NATO tưởng tượng ra và đưa quân đến Latvia (một quốc gia thuộc Liên Xô trước đây), dân Brussels bị giết ngay trước mũi ông ta”. Còn người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova được trích thuật nói rằng: “Anh không thể hỗ trợ khủng bố ở góc này của thế giới và không trông đợi chúng xuất hiện ở chỗ khác”. Bà Zakharova đã bóng gió về cái gọi là sự hỗ trợ của phương Tây đối với một số tổ chức khủng bố chống Nga, rằng “chơi dao ắt có ngày đứt tay”.

Những gì đang xảy ra ở Brussels một lần nữa cho thấy, nếu thế giới và đặc biệt là các cường quốc không thống nhất, đoàn kết, tiếp tục coi khủng bố là quân bài trong một số mưu toan lợi ích thì còn lâu mới đẩy lùi được chủ nghĩa khủng bố và những kẻ cực đoan.

Có người bảo, châu Âu đã quá nhân ái khi cho người từ Trung Đông nhập cư một cách ồ ạt. Và trong số đó, chắc chắn có không ít kẻ khủng bố trà trộn. Thực tế này càng làm phức tạp thêm tình hình an ninh ở châu Âu và khiến tình cảnh người tị nạn càng thêm bi đát.

MỚI - NÓNG