Để nông dân không mừng hụt

Để nông dân không mừng hụt
TP - Theo thống kê, hiện đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới thu hoạch khoảng 100.000ha lúa hè thu trong tổng số 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa tại ĐBSCL đã phải hứng chịu cảnh giá lúa rớt không phanh.

Nếu như cách đây một tuần, giá lúa IR50404 tại Đồng Tháp, Hậu Giang còn đứng trên 4.000 đồng/kg, thì nay xuống 3.500- 3.700 đồng/kg. Ngay cả khi giá lúa đã xuống thấp dưới giá thành, nông dân vẫn khó bán.

Lâm cảnh khốn khó, nông dân không thể tự cứu mình. Thông lệ, họ ngóng chờ phao cứu sinh của Nhà nước. Bởi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (từ nhiều năm trước) việc thu mua lúa gạo phải đảm bảo nông dân có lãi ít nhất 30%. Hôm 30-6, Văn phòng Chính phủ phát đi công điện khẩn, yêu cầu các cơ quan báo chí tuyên truyền Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2010.

Quyết định trên cho phép doanh nghiệp mua dự trữ tối đa một triệu tấn quy gạo (thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15-7 đến 15-9-2010); Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ (thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 04 tháng, tương ứng với thời gian mua lúa gạo tạm trữ). Ngoài ra, quyết định yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.

Đọc nội dung quyết định, nông dân mừng hụt. Vì chẳng dòng nào, chữ nào đề cập tới quyền lợi của nông dân sản xuất lúa. Có ý kiến bình luận, Chính phủ chỉ chỉ đạo vĩ mô, và việc quyết định cho mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo, sẽ đẩy cầu lên và nông dân chỉ cần ngồi chờ thương lái tới bán giá cao.

Thực tế, lúa gạo ế ẩm, rớt giá, nông dân mới cần bàn tay nâng đỡ của Nhà nước. Nhưng với yêu cầu trên, người ta không thể kỳ vọng doanh nghiệp mở lòng thương nông dân mua giá cao, vì mục tiêu của họ là lợi nhuận. Nên việc nông dân ngồi chờ thương lái đến mua giá cao là điều không tưởng.

Chưa kể, hiện lượng lúa gạo tồn trong kho của doanh nghiệp còn khá lớn, khoảng hơn 1,7 triệu tấn. Nên với cách mua tạm trữ này, chỉ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo rộng đường kiếm lợi nhuận: Vừa được nhận khoản hỗ trợ lãi suất, vừa đủng đỉnh thỏa thuận, thậm chí tiếp tục ép giá nông dân để thêm lời.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc nhà nước can thiệp để điều tiết thị trường trong bối cảnh lúa, gạo rớt giá là cần thiết. Nhưng không nên giao sứ mệnh ấy cho doanh nghiệp. Vì mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, chứ không phải là công cụ giúp Nhà nước can thiệp thị trường, cứu giúp nông dân.

Theo ông Cung, trong trường hợp này, cần có cơ quan của Nhà nước (chứ không phải doanh nghiệp) trực tiếp thu mua lúa gạo của dân theo mức giá đảm bảo nông dân có lời, bình ổn thị trường. Đến khi cung cầu thị trường ổn định, lại bán ra cho doanh nghiệp. Chỉ như vậy, nông dân mới thực sự nhận được hỗ trợ của Nhà nước.

MỚI - NÓNG