Đổi mới tư duy, cần dũng cảm

Đổi mới tư duy, cần dũng cảm
TP - Một trong những thông điệp mà Đại hội Đảng bộ T.Ư Đoàn lần thứ XXII (diễn ra từ ngày 11 đến 12/8/2015, tại Hà Nội) đang truyền đi là “Đổi mới tư duy” – một điều tối quan trọng đối với không chỉ tổ chức Đảng ở cơ quan đầu não của Đoàn Thanh niên mà cả đối với tất cả những người trẻ tuổi.

Cuộc sống biến đổi, vận động không ngừng lên phía trước. Tư duy không đổi sẽ kìm hãm phát triển. Điều đó không chấp nhận được với giới trẻ, những người mang những năng lượng năng động nhất của xã hội.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương (Đại học Harvard) phát biểu: “Đổi mới tư duy: bước đột phá tạo nên cục diện phát triển mới. Khi mong muốn thành đạt hơn, đặc biệt để vượt qua một thách thức hoặc trắc trở, con người ta thường hành động theo một trong ba mẫu thức căn bản: Một, nỗ lực cao hơn về lượng (thời gian, nguồn lực), nhưng giữ nguyên phương cách hành động và lối tư duy cũ. Hai, đưa ra những phương cách hành động mới với nỗ lực cao hơn, nhưng vẫn giữ nguyên về căn bản lối tư duy cũ. Ba, đổi mới tư duy, trên cơ sở đó tìm thấy những phương cách hành động mới và nguồn sinh lực mới, trên cơ sở đó, có nỗ lực cao hơn hẳn về chất”.

Nếu không có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tổ chức cũng như mỗi cá nhân cụ thể khó mà vượt qua hai mẫu thức đầu để đạt đến mẫu thức ba, cái có thể tạo nên bước đột phá, lập nên cục diện mới.

Tư duy sáo mòn, cách làm cũ khó mà thuyết phục và tập hợp được lực lượng trẻ trong một xã hội thông tin và tri thức năng động, khi mà hằng ngày, hằng giờ người trẻ tiếp thu những cái mới không ngừng nảy sinh trong thực tiễn. Có cái vừa đúng đó nhưng có thể lại nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, có cái vừa là nét mới đó nhưng lại lạc hậu ngay. 

Với vai trò là sinh khí mới của đất nước, mỗi người trẻ cần có tư duy linh động. Với vai trò là tổ chức tiền phong của tuổi trẻ, mọi cấp bộ Đoàn không được phép để tư duy tổ chức và lãnh đạo ngưng đọng, không theo kịp thực tiễn, không theo kịp chính các thành viên của mình cũng như quảng đại quần chúng.

Tuy nhiên, đổi mới tư duy không dễ. TS Khương cho rằng: “Đổi mới tư duy cần trở thành sự lựa chọn khảng khái và dũng cảm của mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội”. John Maynard Keynes - nhà kinh tế học lỗi lạc của thế kỷ 20, đúc kết: “Khó khăn nằm không phải ở cách tư duy mới, mà ở việc thoát khỏi được cách nghĩ cũ, cách nghĩ đã ăn sâu trong mọi ngõ ngách của não trạng chúng ta”.

Đổi mới tư duy là một quá trình gian khó bởi đó là “những cuộc cách mạng của mỗi người”, là sự lựa chọn “khảng khái, dũng cảm”, cái mà thiếu đi, người trẻ không thể là người lính xung kích, tổ chức Đảng tổ chức Đoàn không còn là đại diện đúng nghĩa cho những lực lượng tiên tiến và năng động nhất của dân tộc.

Không ai khác, chính 170 đại biểu - đại diện cho tổ chức Đảng và các cơ quan, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn phải là những người đầu tiên khảng khái, dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm đổi mới tư duy và làm lan tỏa tinh thần ấy không chỉ trong mỗi cơ quan, đơn vị của mình, mà tới nhiều chục triệu người trẻ tuổi cả nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.