Động thái tỷ giá hối đoái

Động thái tỷ giá hối đoái
TP - Trước sức ép từ đợt phá giá nhân dân tệ tới 4,67% so với USD của Trung Quốc từ ngày 11/8/2015, NHNN Việt Nam đã buộc phải vi phạm cam kết không giảm giá VND quá 2% trong năm 2015 khi ngày 19/8/2015, tỷ giá hối đoái chính thức được điều chỉnh tăng thêm 1% đồng thời biên độ giao động cũng được nâng lên +/-3% từ mức +/-2% mới được thiết lập đúng một tuần trước đó. Như vậy là kể từ đầu năm 2015 đến nay, VND đã giảm giá hơn 5% so với USD.

Phản ứng của NHNN trước biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế là nhất quán với nguyên tắc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái chủ động và linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thị trường ngoại hối chịu sức ép không chỉ từ diễn biến khôn lường bên ngoài mà còn từ dấu hiệu kinh tế vĩ mô bên trong. Giảm giá mạnh VND sẽ hỗ trợ khả năng cạnh tranh về giá cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đồng thời hạn chế bớt nhập khẩu khi số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2015 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 16,4%, riêng khu vực FDI tăng 23,1%. Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sau 3 năm liên tiếp có thặng dư cán cân thương mại thì chỉ sau 7 tháng đầu năm 2015, thâm hụt thương mại đã lên đến 3,7 tỷ USD, tương đương 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 19,5 tỷ USD. Do qui mô nhập khẩu quá lớn và tăng mạnh nên giảm giá VND có thể gây áp lực lên giá cả trong nước song dư địa cho lạm phát cả năm 2015 còn rất nhiều do đến hết tháng 7/2015, CPI mới tăng 0,68% so với cuối năm 2014 và bình quân 7 tháng tăng 0,86% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.

Hai mối lo lớn khác khi giảm giá VND là tác động tới đầu tư và nợ công cũng được giải tỏa phần lớn do qui mô đầu tư toàn `xã hội nói chung và FDI nói riêng phụ thuộc nhiều hơn vào cải cách thủ tục hành chính, vào môi trường đầu tư và lộ trình mở cửa thực hiện 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký cam kết. Qui mô nợ công hiện khoảng 110 tỷ USD sẽ tăng lên tương ứng khoảng 5% nếu qui ra VND, đồng thời số lượng VND phải sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ nợ nước ngoài cũng sẽ tăng tương ứng khoảng 5% song mức độ tăng không quá lớn, vẫn nằm trong sức chịu đựng của NSNN trong khi cái giá phải trả để giữ không giảm giá VND cũng như lợi ích có thể thu được từ giảm giá mạnh VND có thể lớn hơn nhiều.

Mức độ, cách thức và thời điểm tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hối đoái phụ thuộc và diễn biến tiếp theo trên thị trường tiền tệ thế giới cũng như phản ứng chính sách của các quốc gia, nhất là của các cường quốc kinh tế để có thể tối đa hóa lợi ích từ phá giá tiền tệ đồng thời tối thiểu hóa thiệt hại do phá giá tiền tệ gây ra cho kinh tế, thương mại và tài chính của Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp ứng phó bảo vệ sức cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu, cùng với công cụ sắc bén là chính sách tỷ giá hối đoái thì chúng ta còn cần phối hợp đồng bộ với các biện pháp và chính sách kinh tế tài chính vĩ mô khác nhằm đảm bảo an ninh kinh tế tài chính, tăng sức đề kháng của nền kinh tế trước các biến động của kinh tế tài chính quốc tế, đảm bảo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn và có sức cạnh tranh cao.

MỚI - NÓNG