“Duyệt án”

“Duyệt án”
TP - “Án bỏ túi” được nói đến nhiều thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 rồi tiếp đó là Nghị quyết 49 - những nghị quyết đề ra đường lối cải cách tư pháp, lấy đổi mới xét xử làm then chốt.

Trước đó, “án bỏ túi” tràn lan khắp nơi. Hiểu nôm na, đó là kiểu xử án mà bản án được viết trước, được duyệt trước, thẩm phán để sẵn túi xách. Tới hôm mở tòa, cứ rút ra mà đọc!

Còn nhớ, sau khi Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết trên, tòa án nô nức tổ chức “phiên tòa mẫu”, nói “không” với “án bỏ túi”. Luật sư không bị cắt lời, không bị hạn chế thời gian. Hội đồng nghe chăm chú, không ai dám ngủ gật hoặc đưa vụ án khác ra đọc. Diễn biến phiên tòa được phản ánh ít nhiều trong bản án tuyên sau đó... Nhưng sau cao trào đó, công tác xét xử có xu hướng quay lại thời tiền cải cách. Luật sư mặc sức “chém gió”. Công tố viên thích thì đối đáp, không thích chỉ cần nói “giữ nguyên quan điểm như trong cáo trạng”, vậy là xong phần tranh tụng.

Liệu Quyết định số 13 về việc báo cáo nghiệp vụ do ông Chánh án Tòa án Hà Nội ban hành mà dư luận đang quan tâm có phải là bằng chứng cho thấy việc “duyệt án” thực sự đang quay trở lại?

Người viết bài đã có dịp tâm sự với ông Chánh án Hà Nội, thời điểm ông mới nhậm chức. Ông Chánh án cũ lên chức cao hơn, để lại “món nợ” với báo Tiền Phong. Đó là một công văn trả lời loạt bài “Nữ hoàng án treo” đăng trên Tiền Phong, phản ánh việc xử án treo hết sức bất bình thường ở một tòa án cấp quận của Hà Nội. Ông tân Chánh án hứa sẽ có công văn trả lời (sau đó, Tiền Phong có nhận được).

Hôm đó, ông tân Chánh án cho biết sẽ chấn chỉnh hoạt động xét xử, tập trung vào những vụ án “nhạy cảm” như phạt tù cho hưởng án treo, phạt tù thấp hơn khung hình phạt, rồi những vụ án vi phạm tố tụng khiến dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng. Ông cho biết, một trong những biện pháp là đẩy mạnh hoạt động Phòng giám đốc kiểm tra của Tòa án thành phố…

Mới đây, người viết bài này có đọc Quyết định số 13 của ông Chánh án Hà Nội, bất giác thở dài. Rất dễ nhận thấy những điểm vi hiến, không phù hợp với các bộ luật tố tụng hiện hành.

Thực ra chuyện này không hề mới. Nếu ai đó tìm cho bằng đủ những quyết định, quy định phân công chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Chánh án, Phó chánh án, Chánh tòa, Phó chánh tòa… ở tất cả các tòa án trong cả nước, sẽ thấy có nhiều, rất nhiều những điểm “vi hiến”, “vi luật”, được núp dưới thuật ngữ “báo cáo nghiệp vụ”, “trao đổi nghiệp vụ”, “xin đường lối giải quyết”…

Vấn đề đáng bàn không ở riêng Quyết định 13 của Tòa án Hà Nội (rất có thể lý do ban hành là việc nóng vội chấn chỉnh hoạt động xét xử). Điều cần bàn, đó là tiếp tục chấn chỉnh, tiếp tục đổi mới hoạt động xét xử của các tòa án trong cả nước, theo đúng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Hiến pháp 2013.

Để thẩm phán và hội thẩm độc lập trong hoạt động xét xử, cần mạnh dạn bỏ hẳn kiểu xét xử “thẩm vấn” để chuyển sang “tranh tụng”. Nâng cao trình độ và bản lĩnh của thẩm phán, hội thẩm, công tố. Tăng cường số lượng và chất lượng luật sư. Các phiên tòa phải công khai, không cấm đoán phóng viên.

Bản án đã tuyên đưa luôn lên internet, vừa có tác dụng giáo dục phổ biến pháp luật, vừa để đông đảo người dân giám sát hoạt động tư pháp. Có vậy mới chấn chỉnh, mới hạn chế được những vụ án “nhạy cảm” như ông Chánh án Hà Nội từng trăn trở...

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.